Việt Nam luôn có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư đối với Nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhà đầu tư. Thủ tục đầu tư được pháp luật Việt Nam quy định ngày càng hoàn thiện và đơn giản. Tuy nhiên, thực tế nhiều Nhà đầu tư vẫn còn mắc nhiều sai lầm khi tiến hành thực hiện đầu tư thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Với kinh nghiệm tư vấn thành lập công ty nước ngoài hơn 7 năm, chúng tôi xin chia sẽ những lưu ý quan trọng khi nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tóm tắt nội dung
Toggle1. Nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp cần lưu ý các hiệp định thương mại và đầu tư của Việt Nam
Trong quá trình hội nhập Việt Nam đã có nhiều hiệp định thương mại; đầu tư đa phương lẫn song phương với nhiều tổ chức khu vực cũng như nhiều quốc gia trê thế giới. Vì thế, các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ để lựa chọn hiệp định thương mại, đầu tư phù hợp cho hoạt động đầu tư của mình.
Ví dụ:
Trong hoạt động đầu tư, có một nguyên tắc: “Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh”.
Như vậy khi xem xét điều kiện tiếp cận thị trường thì phải xét điều kiện liên quan đến các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong khi đó có những quốc gia cùng với Việt Nam là thành viên của nhiều điều ước quốc tế và nhiều tổ chức thương mại khu vực.
Ví dụ như nhà đầu tư đến từ đất nước Nhật Bản. Hiện nay chúng ta có hai hiệp định song phương với Nhật Bản gồm hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (BIT) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) đồng thời Việt Nam và Nhật Bản là thành viên trong nhiều tổ chức đa phương như tổ chức thương mại thế giới WTO; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương CPTPP; Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Cụ thể đối với Nhà đầu tư Nhật Bản, theo quy định tại Biểu Cam kết Thương mại và Dịch vụ WTO, mục tiêu liên quan đến Kinh doanh trò chơi điện tử (CPC 964**) cam kết như sau: “Chỉ dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam đã được phép cung cấp dịch vụ này. Phần vốn góp của phía nước ngoài trong liên doanh không được vượt quá 49% vốn pháp định của liên doanh”.
Tuy nhiên, Việt Nam Nhật Bản đã ký kết Hiệp định giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản ngày 14 tháng 11 năm 2003 (Hiệp định BIT) về tự do, xúc tiến và bảo hộ đầu tư có quy định: Mỗi Bên Ký kết, trong Khu vực của mình, sẽ dành cho các nhà đầu tư của Bên Ký kết kia và những đầu tư của họ sự đối xử không kém thuận lợi hơn so với sự đối xử dành cho các nhà đầu tư và những đầu tư của nước mình, trong cùng một hoàn cảnh tương tự như nhau trong việc thành lập, mua lại, mở rộng, hoạt động, quản lý, duy trì, sử dụng, thu lợi và bán hoặc một hình thức chuyển nhượng đầu tư khác (sau đây gọi là “các hoạt động đầu tư”).
Như vậy, nếu áp dụng về hiệp định BIT thì nhà đầu tư Nhật Bản sẽ thành lập được công ty 100% vốn đầu tư Nhật bản để Kinh doanh trò chơi điện tử (CPC 964**). Trên thực tế nhiều doanh nghiệp; nhà đầu tư kể cả công ty tư vấn đã không áp dụng đúng hiệp định có lợi cho nhà đầu tư nên đánh mất cơ hội đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài cũng như việc thu hút đầu tư của Việt Nam.
Tương tự như nhà đầu tư đến từ Nhật Bản thì nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc; Châu Âu; Hoa Kỳ đều có thể bị mắc sai lầm trong việc áp dụng các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để áp dụng trong việc thực hiện đầu tư vào Việt Nam.
Như vậy, Nhà đầu tư cần nắm rõ các điều ước quốc tế; các hiệp định thương mại và tránh mắc phải những sai lầm liên quan đến việc lựa chọn áp dụng các văn bản, các quy định liên quan đến đầu tư để tránh đánh mất đi những cơ hội đầu tư của mình.
2. Lưu ý khi áp mã, chuyển đổi mã mục tiêu đầu tư (CPC) sang mã ngành nghề kinh doanh (VSIC)
Khi Nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam cần quan tâm việc đăng ký mục tiêu đầu tư (CPC) và ngành nghề kinh doanh (VSIC).
- CPC (PROVISIONAL CENTRAL PRODUCT CLASSIFICATION) là mã mục tiêu đầu tư theo hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm của Liên Hợp Quốc.
- VSIC ( Vietnam standard industrial classification) là Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được sử dụng thống nhất khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, được phát triển bởi Tổng cục Thống kê từ năm 2007 dựa trên phiên bản lần thứ 4 của ISIC. VSIC có 21 nhóm ngành cấp 1; 88 ngành cấp 2; 242 ngành cấp 3; 437 ngành cấp 4 và 642 ngành cấp 5.
Theo các biểu mẫu hiện hành áp dụng cho các thủ tục đầu tư để xin cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư hoặc đăng ký mua lại cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài và công ty mục tiêu phải kê khai ngành nghề kinh doanh của công ty mục tiêu theo cả Hệ Thống Phân Loại Ngành Kinh Tế Việt Nam (VSIC) và Hệ Thống Phân Loại Sản Phẩm Trung Tâm Tạm Thời (CPC).
Như vậy, Khi đăng ký ngành nghề kinh doanh, nhà đầu tư nước ngoài có thể phải đối mặt với vấn đề trong đó phạm vi của một nhóm theo một hệ thống phân loại có thể không nằm trong nhóm tương ứng theo hệ thống phân loại khác.
Ví dụ như, Doanh nghiệp khi áp mã CPC đối với ngành Dịch vụ nghiên cứu và phát triển đối với khoa học tự nhiên (CPC 851). Khi áp mã ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp chỉ áp được (85105). Vậy nên, khi tiến hành đăng ký ngành nghề kinh doanh cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có thể mã hóa các ngành nghề: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên (VSIC 7211), khoa học kỹ thuật và công nghệ (VSIC 7212), khoa học y, dược (VSIC 7213), khoa học nông nghiệp (VSIC 7214).
Và nhiều trường hợp hay xảy ra là việc Nhà đầu tư hiểu sai mã mục tiêu đầu tư và mã ngành nghề dẫn đến việc khi chuyển đổi mã ngành từ CPC sang VSIC bị sai mã ngành nghề dẫn đến việc khi hoạt động kinh doanh không đăng ký đúng dẫn đến việc “áp mã một đằng, kinh doanh một nẻo”.
Ví dụ như, Doanh nghiệp thực chất kinh doanh (ngành nghề lắp đắt máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất trong một dây chuyền cho nhà xưởng của công ty). Khi đăng ký đầu tư, Nhà đầu tư lại đăng ký mục tiêu: Công tác lắp dựng và lắp đặt (CPC 514, 516). Tuy nhiên, đối với việc lắp đặt máy móc thiết bị phục vụ sản xuất trong một dây chuyền cho nhà xưởng của công ty, bản chất lại là một ngành dịch vụ liên quan đến sản xuất (CPC 885), tương ứng với ngành nghề kinh doanh: Lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp (VSIC 3320).
Do vậy, Nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam cần lưu ý đến việc mã hóa, chuyển đổi đúng đầy đủ ngành nghề kinh doanh để hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tránh sai sót dẫn đến việc bị xử phạt liên quan đến lĩnh vực đầu tư, kinh doanh.
3. Nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khi đầu tư vào Việt Nam
Việc không đáp ứng các điều kiện của Ngành nghề kinh doanh có điều kiện khiến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi đi vào hoạt động không đáp ứng đủ các điều kiện để xin giấy phép được hoạt động kinh doanh gây ra nhiều thiệt hại cho Nhà đầu tư.
Có những dự án đầu tư mà nhà đầu tư muốn kinh doanh lại thuộc lĩnh vực Kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài đã chuẩn bị các phương án đầu tư kinh doanh, lên kế hoạch kinh doanh. Nhưng sau khi xin cấp phép lại không đáp ứng đủ các điều kiện để kinh doanh lĩnh vực đó, gây ra thiệt hại về tiền bạc và thời gian cho Nhà đầu tư.
Ví dụ, Nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập Trung tâm đào tạo ngoại ngữ (tiếng Anh) tại Việt Nam và đã thực hiện đăng ký đầu tư và doanh nghiệp phù hợp nghành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, đối với việc thành lập Trung tâm đào tạo ngoại ngữ, nhà đầu tư cần đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP như: Vốn điều lệ, cơ sở vật chất, tính suất đầu tư học viên, chương trình giảng dạy, đội ngũ giáo viên, … Đây là những điều kiện kinh doanh cần phải được đáp ứng khi thực hiện các thủ tục pháp lý sau, hoặc phải đáp ứng được thì doanh nghiệp nhà đầu tư mới được hoạt động trong lĩnh vực đó.
Hay như trong lĩnh vực phân phối bán lẻ hàng hóa. Để được đi vào hoạt động kinh doanh phân phối bán lẻ các hàng hóa, nhà đầu tư nước ngoài cần thực hiện thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ hàng hóa. Tuy nhiên, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP.
Đặc biệt hiện nay thức tế nhiều nhà đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư và doanh nghiệp cho lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại tuy nhiên đều bị vướng mắc ở khâu xin giấy phép xử lý chất thải nguy hại do không đáp ứng được vấn đề quy hoạch; đánh giá tác động môi trường theo quy định của luật chuyên ngành.
Do đó, Nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam cần phải lưu ý về điều kiện kinh doanh của ngành nghề mà mình muốn đầu tư.
4. Lưu ý Đối với Nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp theo hình thức góp vốn để thành lập doanh nghiệp
Lưu ý khi Chuyển tiền góp vốn
Theo quy định của pháp luật, Đối với việc góp vốn thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, phải thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. Ngoài việc mở Tài khoản Ngân hàng để thực hiện giao dịch, thanh toán trong kinh doanh, Nhà đầu tư nước ngoài cần phải Mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp để thông qua tài khoản vốn: Tiếp nhận vốn, vay, trả nợ của các khoản vay nước ngoài ngắn, trung, dài hạn và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới thành lập ở Việt Nam khi chuyển tiền góp vốn lại không mở Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp mà chuyển thẳng qua Tài khoản thanh toán của Công ty.
Lưu ý khi thanh toán giá trị chuyển nhượng dự án đầu tư
Đối với việc Nhà đầu tư nước ngoài mua lại vốn góp, mua cổ phần, thanh toán giá trị chuyển nhượng dự án đầu tư giữa các nhà đầu tư trong hợp đồng BCC, giữa các nhà đầu tư trực tiếp thực hiện dự án PPP. Cần lưu ý:
Chẳng hạn như, Nhà đầu tư là cá nhân Hàn Quốc thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên với 100% vốn đầu tư Hàn Quốc. Khi tiến hành góp vốn điều lệ, Nhà đầu tư cần phải mở tài khoản vốn đầu tư để chuyển tiền vào Tài khoản vốn đầu tư, sau đó dùng tiền tài khoản vốn đầu tư chuyển tiền góp vốn vào Tài khoản thanh toán của công ty. Tuy nhiên, hiện có nhiều nhà đầu tư chuyển tiền góp vốn không qua Tài khoản vốn, dẫn đến sai sót về quy trình góp vốn, làm chậm thời gian góp vốn.
Khi việc chuyển nhượng giữa hai cá nhân không cư trú tại Việt Nam, ví dụ như: Nhà đầu tư là cá nhân Nhật Bản khi tiến hành mua lại vốn góp của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có vốn đầu tư Hàn Quốc. Nên sẽ không thực hiện thông qua Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (hai nhà đầu tư tự thanh toán chuyển nhượng cho nhau thông qua Tài khoản cá nhân). Nhưng nhiều nhà đầu tư chuyển tiền mua lại vốn vào Tài khoản ngân hàng doanh nghiệp dẫn đến sai quy trình, ngân hàng sẽ chuyển hồi tiền thanh tóa chuyển khoản dẫn đế việc thanh tóa chuyển nhượng không thành công, mất nhiều thời gian và phí ngân hàng.
5. Nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam cần lưu ý khi Đăng ký vốn đầu tư và vốn điều lệ
Đối với việc Đăng ký vốn đầu tư và vốn điều lệ, Nhà đầu tư thường gặp phải sai lầm Kê khai khống vốn đầu tư và vốn điều lệ nhưng không góp đủ vốn điều lệ đã đăng ký.
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Khi doanh nghiệp kê khai khống vốn điều lệ, dẫn đến trường hợp không góp đủ vốn, buộc phải điều chỉnh Vốn đầu tư và vốn điều lệ xuống đúng như cam kết, nhiều doanh nghiệp không thực hiện giảm vốn khi không góp đủ vốn dẫn đến bị xử phạt.
Nhà đầu tư nước ngoài cần phân biệt rõ giữa đăng ký vốn góp của dự án và vốn điều lệ:
- Vốn góp thực hiện dự án chính là vốn mà Nhà đầu tư cam kết sẽ góp để thực hiện dự án của mình. Việc cam kết góp và thời hạn cam kết góp sẽ được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án.
- Còn vốn điều lệ chính là vốn Nhà đầu tư đăng ký khi thành lập doanh nghiệp, phải góp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Nhà đầu tư khi đăng ký vốn góp bằng vốn điều lệ, nhưng khi góp vốn điều lệ lại không góp đúng thời hạn, dẫn đến việc phải điều chỉnh lại vốn điều lệ và tiến độ góp vốn.
6. Lưu ý Đối với việc thuê đất, thuê văn phòng của các dự án đầu tư nằm ngoài khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghiệp
Đối với việc thuê đất của các dự án trong khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghiệp, Nhà đầu tư cần xem xét đến tính chất pháp lý cũng như quy hoạch của khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp khi đầu tư trong các Khu công nghiệp thường vướng phải quy hoạch cũng như giấy tờ pháp lý dẫn đến không thể xin cấp phép đầu tư. Doanh nghiệp cần lưu ý nội dung này khi lựa chọn địa điểm thực hiện dự án đầu tư.
Nhà đầu tư cần lựa chọn đúng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư đúng với mục tiêu sản xuất, kinh doanh đặt ra. Tránh việc đầu tư không phù hợp do thiếu các yếu tố về nhân lực và vật lực dẫn đến không thể triển khai được dự án đầu tư.
7. Nhà đầu tư nước ngoài nhờ cá nhân Việt Nam đứng tên thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam
Khi Nhà đầu tư nước ngoài nhờ cá nhân Việt Nam đứng tên thành lập doanh nghiệp thì thủ tục cũng diễn ra nhanh chóng và thuận lợi. Ví dụ như thủ tục thành lập công ty đối với cá nhân Viêt Nam là 03 ngày làm việc, nhưng đối với Nhà đầu tư nước ngoài là 15-45 ngày làm việc tùy từng lĩnh vực, khu vực. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý những điều sau đây để hạn chế rủi ro khi nhờ cá nhân Việt Nam đứng tên công ty:
⇒ Khi xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu trong công ty giữa Nhà đầu tư người nước ngoài và cá nhân Việt Nam thì Nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được pháp luật công nhận.
⇒ Nhà đầu tư nước ngoài khi muốn quản lý công ty hay tham gia vào các hoạt động thương mại khi được Người đại diện theo pháp luật ủy quyền (cá nhân Việt Nam). Do đó, trong trường hợp cá nhân Việt Nam không ủy quyền cho Nhà đầu tư nước ngoài thì Nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất khó quản lý công ty hay tham gia vào các hoạt động thương mại.
Dịch vụ tư vấn cho Nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam an toàn và hiệu quả
Với những lưu ý trên, thì có thể thấy rằng nhà đầu tư nước ngoài khi thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam cần phải hiểu rõ rất nhiều qui định. Để nhà đầu tư tự tìm hiểu và thực hiện đúng những qui định này thì cũng không phải dễ chút nào. Như vậy, cách giải quyết tốt nhất cho nhà đầu tư là tìm đơn vị chuyên dịch vụ tư vấn thành lập công ty nước ngoài để được giải đáp mọi thắc mắc.
Luật Bistax với đội ngũ chuyên viên tư vấn đầu tư có kinh nghiệm, có khả năng giao tiếp ngoại ngữ tốt. Chúng tôi sẽ tư vấn cặn kẽ mọi qui định của pháp luật Việt Nam từ Luật đầu tư, Luật Lao động, Luật dân sự…
Để được hỗ trợ kịp thời, hãy liên hệ hotline 07777 23283 để nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam một cách nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.