Thời gian làm việc: Từ thứ 2 đến thứ 6:
Sáng 08:00 – 11h30 AM, Chiều: 13h00 – 17:00 PM
Bistax

Mã số HS là gì? Những điều cần biết về mã số HS

Cập nhật lần cuối: 09/08/2024.

Khi doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu một mặt hàng, bạn cần hàng hoá của mình có phải đóng thuế hay không, mức tính thuế là bao nhiêu, bằng cách xác định qua mã số HS cho hàng hóa. Vậy, mã HS là gì và xác định mã HS như thế nào? Những điều cần biết về mã số HS.

Mã số HS là gì?

Mã số HS (Harmonized Commodity Description and Coding System) là mã phân loại của hàng hóa, dùng để xác định thuế suất xuất nhập khẩu hàng hóa.

“Mã HS” hay “Hệ thống HS” được định nghĩa là Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa, được tiêu chuẩn hóa quốc tế về tên gọi và mã số để phân loại hơn 98% hàng hóa được buôn bán trên phạm vi toàn thế giới của Tổ chức Hải quan thế giới – WCO.

Mục đích của Mã HS

Đối với Chính phủ, Mã số HS là công cụ xác định các loại hàng hóa xuất, nhập khẩu để thực hiện thu thuế và các nghĩa vụ khác; thực thi luật pháp trong nước và các hiệp ước quốc tế; hỗ trợ cho việc phân tích các chiến lược vi mô và vĩ mô, đàm phán thương mại quốc tế.

Đối với Doanh nghiệp, Mã HS đảm bảo việc tuân thủ luật pháp trong nước và quốc tế của doanh nghiệp. Nếu phân loại sai, doanh nghiệp không tránh khỏi việc trì trệ trong khâu giao hàng, công tác giám định gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ bị xử phạt gây tốn kém chi phí. Ngược lại, nếu hàng hóa được phân loại một cách chính xác, doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích từ các FTA.

Những điều cần biết về mã số HS

Cấu trúc Mã HS:

Cấu tạo mã số HS
Cấu tạo mã số HS

Bố cục quyển biểu thuế HS sẽ bao gồm:

21 phần gồm các nội dung:

+ Động vật, thực vật, khoáng sản, plastic, cao su

+ sản phẩm đá, đồ trang sức, sản phẩm dệt,..

+ Máy móc, thiết bị điện, xe cộ phương tiện, dụng cụ,..

98 chương trong quyền biểu thuế nhập khẩu gồm:

+ 97 chương đầu phân loại hàng hóa chung

+ Chương 98 là chương phân loại hàng hóa ưu đãi riêng (ví dụ như: hàng hóa được mua bởi bộ quốc phòng) học đầu tư chứng khoán

Như vậy, với doanh nghiệp chỉ nên tìm hiểu về 97 chương đầu trong quyển biểu thuế và chỉ có hàng hóa hữu hình mới được định danh trong biểu thuế.

Hiện nay Việt Nam áp dụng mã HS với hàng hóa là 8 số, một số nước trên thế giới có thể dùng mã HS với 10 hoặc 12 số.

Ví dụ: 01041010: Cừu – Loại thuần chủng để nhân giống.

Cách tra mã số HS chính xác

Khi phân loại 1 mặt hàng, sẽ áp dụng lần lượt từ quy tắc nhỏ nhất trước, nếu không được thì áp dụng quy tắc tiếp theo, số thứ tự tăng dần lên. Bất cứ khi nào có quy tắc phù hợp, thì dừng lại, không xét tiếp những quy tắc tiếp theo nữa. Doanh nghiệp dựa vào quy tắc phân loại này để lựa chọn mã HS cho phù hợp.

1. QUY TẮC 1: Chú giải chương & Tên định danh

Tên của Phần, Chương hoặc Phân chương được đưa ra chỉ nhằm mục đích dễ tra cứu. Để đảm bảo tính pháp lý, việc phân loại hàng hóa phải được xác định theo nội dung của từng nhóm và bất cứ chú giải của các Phần, Chương liên quan và theo các qui tắc dưới đây nếu các nhóm hoặc các Chú giải đó không có yêu cầu nào khác.

Tức là: Tên của các Phần, Chương, Phân chương chỉ mang tính định hướng khái quát, chứ chưa đủ để phân loại hàng hóa (xác định mã HS).

Các yếu tố quan trọng để phân loại:

– Nội dung của nhóm hàng và bất cứ chú giải Phần hoặc Chương nào có liên quan;

Ví dụ 1: Ngựa thuần chủng để nhân giống => Trong biểu thuế có mục định danh và cụ thể là “ngựa thuần chủng để nhân giống” đồng thời chú giải chương này không có quy định khác cho sản phẩm này nên ta áp mã 01012100.

– Các quy định tại các Qui tắc 2, 3, 4 và 5 khi nội dung nhóm hàng hoặc các Chú giải không có yêu cầu nào khác.

Ví dụ 2: Xác định mã HS của “Voi làm xiếc”

Bước 1: Định hình khu vực: Có thể áp vào chương 1: Động vật sống

Bước 2: Đọc chú giải khu vực đó: Theo chí giải 1.c của chương 1 là trừ động vật thuộc chương 95.08

Bước 3: Đọc chương 95 và xem chú giải chương đó: xác định voi làm xiếc thuộc nhóm 9508 và mã HS chính xác là: 95081000

2. QUY TẮC 2: Sản phẩm chưa hoàn thiện & hợp chất cùng nhóm

Quy tắc 2a:

Một mặt hàng được phân loại vào một nhóm hàng thì mặt hàng đó ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện cũng thuộc nhóm đó, nếu đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa đó khi đã hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện.

Cũng phân loại như vậy đối với hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện hoặc đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện (hoặc được phân loại vào dạng hàng hóa đã hoàn chỉnh hay hoàn thiện theo nội dung Qui tắc này), nhưng chưa lắp ráp hoặc tháo rời.

Ví dụ 3:

– Xe đạp thiếu yên xe, bàn đạp (chưa hoàn chỉnh) vẫn xếp mã xe đạp (87.12). Xe đạp tháo rời, vẫn phân loại vào mã xe đạp.

– Hoặc Để tiện lợi cho quá trình vận chuyển người ta tháo từng bộ phận của 1 chiếc xe ra thì các bộ phận vẫn được xác định mã HS theo chiếc xe.

Lưu ý:

– Với việc nhập khẩu đồng bộ tháo rời và áp mã đồng bộ tháo rời như trên không yêu cầu phải nhập hàng cùng một thời điểm, hoặc cùng một cửa khẩu, nhưng phải đăng ký trước với Hải quan danh mục nhập khẩu hàng hóa đồng bộ tháo rời.

– Nếu mục đích nhập khẩu là đồng bộ tháo rời (tức nhập về ráp thành 1 sản phẩm) nhưng lúc nhập khẩu lại khai báo và áp vào mã bộ phận (không áp mã sản phẩm do không đăng ký danh mục trên), nếu có kiểm tra sau thông quan về mặt hàng đó và bị phát hiện, doanh nghiệp sẽ bị phạt.

Đối với “Phôi”: là những sản phẩm chưa sẵn sàng đưa ra sử dụng, có hình dáng bên ngoài gần giống với với hàng hóa hoàn thiện, chỉ sử dụng vào mục đích duy nhất là hoàn thiện nó thành sản phẩm hoàn chỉnh của nó. Khi đó phôi được áp mã như sản phẩm hoàn chỉnh.

Ví dụ 4: Phôi chìa khóa khi chưa dủa các cạnh => được áp mã chìa khóa đã hoàn thiện;

Chai làm bằng nhựa chưa tạo ren ở cổ chai => được áp mã như chai hoàn thiện.

Những loại phôi mà có các bộ phận tháo rời, các phần tháo rời của phôi nếu ráp vào sẽ thành 1 phôi của thành phẩm thì các phần tháo rời này vẫn được áp mã theo sản phẩm đã hoàn thiện.

Việc lắp ráp ở đây là công việc đơn giản như dùng vít, bu-lông, đai ốc, hoặc ghép bằng đinh tán hoặc bằng cách hàn lại…. Không áp dụng quy tắc này với các sản phẩm cần phải gia công thêm trước khi đưa vào lắp ráp.

Những bộ phận chưa lắp ráp, thừa ra về số lượng theo yêu cầu để hoàn thiện 1 mặt hàng thì sẽ được phân loại riêng.

Quy tắc 2b:

Một nguyên liệu, một chất được phân loại trong một nhóm nào đó thì hỗn hợp hay hợp chất của nguyên liệu hoặc chất đó với những nguyên liệu hoặc chất khác cũng thuộc nhóm đó. Hàng hóa làm toàn bộ bằng một loại nguyên liệu hay một chất, hoặc làm một phần bằng nguyên liệu hay chất đó được phân loại trong cùng nhóm.

Tức là: Chất A thuộc nhóm 1, Chất B cũng thuộc nhóm 1 => hỗn hợp của A + B sẽ thuộc nhóm 1.

Ví dụ 5: Một món sa lát được làm từ cà rốt (07.06); củ cải (07.06); củ dền (07.06) => Khi đó mã HS của món sa lát này sẽ được áp là 07.06.

Việc phân loại những hàng hóa làm bằng hai loại nguyên liệu hay hai chất trở lên phải tuân theo Qui tắc 3.

QUY TẮC 3: Hàng hóa thoạt nhìn nằm ở nhiều nhóm

Khi áp dụng Qui tắc 2(b) hoặc vì bất cứ một lý do nào khác, hàng hóa thoạt nhìn có thể phân loại vào hai hay nhiều nhóm, thì sẽ phân loại như sau:

Quy tắc 3a:

Nhóm có mô tả cụ thể nhất sẽ được ưu tiên hơn các nhóm có mô tả khái quát khi thực hiện việc phân loại hàng hóa. Tuy nhiên, khi hai hay nhiều nhóm mà mỗi nhóm chỉ liên quan đến một phần của nguyên liệu hoặc chất chứa trong hàng hóa là hỗn hợp hay hợp chất, hoặc chỉ liên quan đến một phần của hàng hóa trong trường hợp hàng hóa đó ở dạng bộ được đóng gói để bán lẻ, thì những nhóm này được coi như thể hiện đặc trưng ngang nhau về những hàng hóa nói trên, ngay cả khi một trong số các nhóm đó có mô tả đầy đủ hơn hoặc chính xác hơn về những hàng hóa đó.

Tức là: Hàng hóa được mô tả ở nhiều nhóm thì nhóm nào có mô tả cụ thể nhất sẽ được ưu tiên hơn các nhóm có mô tả khái quát.

Ví dụ 6: Máy cạo râu và tông đơ có lắp động cơ điện được phân vào Nhóm 85.10 mà không phải trong Nhóm 84.67 (nhóm các dụng cụ cầm tay có lắp động cơ điện) hoặc vào Nhóm 85.09 (các thiết bị cơ điện gia dụng có lắp động cơ điện). Vì nhóm 85.10 đã quy định cụ thể luôn là: “Máy cạo râu, tông đơ cắt tóc và các dụng cụ cắt tóc, có lắp động cơ điện”

Quy tắc 3b:

Những hàng hóa hỗn hợp bao gồm nhiều nguyên liệu khác nhau hoặc những hàng hóa được làm từ nhiều bộ phận cấu thành khác nhau, và những hàng hóa ở dạng bộ để bán lẻ, nếu không phân loại được theo Qui tắc 3(a), thì phân loại theo nguyên liệu hoặc bộ phận cấu thành tạo ra đặc tính cơ bản của chúng, trong chừng mực tiêu chí này được áp dụng.

Tức là: Cách phân loại theo Qui tắc 3(b) chỉ nhằm vào các trường hợp:

– Sản phẩm hỗn hợp.

– Sản phẩm cấu tạo từ nhiều nguyên liệu khác nhau.

– Sản phẩm cấu tạo từ nhiều bộ phận cấu thành khác nhau.

– Hàng hóa được đóng gói ở dạng bộ để bán lẻ.

Đối với Hàng hóa hỗn hợp bao gồm nhiều nguyên liệu, bộ phận khác nhau: Áp theo nguyên liệu hay thành phần mang lại bản chất đặc trưng cơ bản cho hàng hoá. (bản chất đặt trưng có thể dựa vào: Kích thước; Số lượng; Chất lượng; Khối lượng; Giá trị; Công dụng…. hoặc khác.

Ví dụ 7: Mặt hàng thảm dệt móc và dệt kim được sử dụng trong xe ôtô, tấm thảm này có thể được phân loại như phụ tùng của xe ô tô thuộc nhóm 87.08, nhưng trong nhóm 57.03 chúng lại được mô tả một cách đặc trưng như những tấm thảm. Do vậy, mặt hàng này được phân loại vào nhóm 57.03.

Đối với Hàng hóa là bộ sản phẩm được cấu thành từ nhiều sản phẩm, nguyên liệu. Mỗi sản phẩm, nguyên liệu thuộc nhiều nhóm nhiều chương khác nhau thì phân loại bộ sản phẩm đó vào sản phẩm mang đặc tính, tính chất cơ bản của bộ đó.

Tùy bộ hàng hóa mà tính chất cơ bản được xét khác nhau. Có thể xác định theo bản chất của nguyên liệu hoặc bộ phận cấu thành, theo thành phần, kích thước, số lượng, trọng lượng, trị giá hoặc theo vai trò của nguyên liệu cấu thành có liên quan đến việc sử dụng hàng hóa.

Chỉ được coi là bộ sản phẩm và áp quy tắc 3b khi thỏa mãn đồng thời các điều sau:

– Có ít nhất 2 sản phẩm khác nhau trong bộ. (6 cái nĩa dùng trong nấu ăn, số lượng lớn hơn 2 nhưng vẫn không coi là bộ sản phẩm)

– Các sản phẩm phải được đóng gói bán lẻ: tức là xếp cùng nhau, đóng gói hoàn thiện,

– Tuy công dụng, cách hoạt động khác nhau nhưng cùng nhau hỗ trợ cho 1 hoặc vài sản phẩm chính trong bộ sản phẩm để thực hiện một chức năng xác định.

Ví dụ 8: Nhập về 1 hộp gồm 1 chai rượu mạnh (nhóm 22.08) và 1 chai rượu vang (nhóm 22.04) => Hai sản phẩm này không hỗ trợ cho nhau. Nên nhập về sẽ áp 2 mã riêng biệt.

Ví dụ 9: Một thùng đồ hộp gồm: 1 hộp tôm (16.05); 1 hộp pate gan (16.02); 1 hộp pho mát (04.06); 1 hộp thịt xông khói (16.02) => Các sản phẩm này không thể hỗ trợ cũng như chế biến chung với nhau thành 1 chức năng đã xác định trước nên sẽ được áp mã riêng theo từng loại.

Ví dụ 10: Gói cà phê hòa tan là hỗn hợp của các chất như: cà phê (09.01), sữa (04.02), đường (17.02) => Theo đó hỗn hợp này sẽ được áp theo mã chất cơ bản nhất là cà phê (09.01). Tuy nhiên theo quy tắc 3.a thì sản phẩm cà phê hòa được mô tả chi tiết (có thể gọi là định danh) trong nhóm 21.01. Vì vậy mã HS chính xác là: 21011291.

Ví dụ 11: Bộ thực phẩm dùng để nấu món mỳ Spaghetti gồm: Hộp mỳ sống (19.02), một gói pho mát béo (04.06), và một gói nhỏ sốt cà chua (21.03), đựng trong một hộp carton.

=> Trường hợp này có 3 sản phẩm khác nhau, đã được đóng gói bán lẻ, các sản phẩm cùng hỗ trợ cho 1 sản phẩm chính là mỳ sống để tạo ra món mỳ Spaghetti, Vì vậy bộ sản phẩm này được áp mã theo hộp mỳ sống (19.02)

Ví dụ 12: Nhập bộ dụng cụ vẽ gồm: một thước (90.17), một vòng tính (90.17), một compa (90.17), một bút chì (96.09) và cái vót bút chì (82.14), đựng trong túi nhựa (42.02).

=> Trong bộ sản phẩm trên, thước, vòng, compa tạo nên đặc tính cơ bản của bộ dụng cụ vẽ. Do vậy, bộ dụng cụ vẽ được phân loại vào Nhóm 90.17.

Quy tắc 3c:

Khi hàng hóa không thể phân loại theo Qui tắc 3(a) hoặc 3(b) nêu trên thì phân loại vào nhóm cuối cùng theo thứ tự đánh số trong số các nhóm tương đương được xem xét.

Ví dụ 13: Sản phẩm: “Băng tải một mặt là plastic còn một mặt là cao su”. Xét thấy mặt hàng này không thể quyết định phân loại vào Nhóm 40.10 hay Nhóm 39.26 theo Qui tắc 3(a), và cũng không thể phân loại mặt hàng này theo Qui tắc 3(b). Vì vậy, mặt hàng sẽ được phân loại vào Qui tắc 3(c), tức là “phân loại vào nhóm có thứ tự sau cùng trong số các nhóm cùng được xem xét”. Theo Qui tắc này, mặt hàng trên sẽ được phân loại vào Nhóm 40.10.

QUI TẮC 4: Phân loại theo hàng hóa giống chúng nhất

Hàng hóa không thể phân loại theo đúng các Qui tắc trên đây thì được phân loại vào nhóm phù hợp với loại hàng hóa giống chúng nhất.

Cụ thể:

– So sánh hàng hóa định phân loại với hàng hóa đã được phân loại trước đó.

– Xác định giống nhau có thể dựa trên nhiều yếu tố: như mô tả, đặc điểm, tính chất, mục đích sử dụng của hàng hóa…

– Hàng hóa sau khi đã so sánh sẽ được xếp trong nhóm của hàng hóa giống chúng nhất.

Ví dụ 14: Men dạng viên, được dùng giống như thuốc thì được áp vào mã thuốc 30.04

Quy tắc 5: Hộp đựng, bao bì

Những qui định sau được áp dụng cho những hàng hóa dưới đây:

Quy tắc 5a:

Bao đựng máy ảnh, máy quay phim, hộp đựng nhạc cụ, bao súng, hộp đựng dụng cụ vẽ, hộp tư trang và các loại bao hộp tương tự, thích hợp hoặc có hình dạng đặc biệt để chứa hàng hóa hoặc bộ hàng hóa xác định, có thể dùng trong thời gian dài và đi kèm với sản phẩm khi bán, được phân loại cùng với những sản phẩm này.

Ví dụ 15: Hộp trang sức (Nhóm 71.13);

Bao đựng máy cạo râu bằng điện (Nhóm 85.10);

Bao ống nhòm, hộp kính viễn vọng (Nhóm 90.05);

Hộp, bao và túi đựng nhạc cụ (Nhóm 92.02);

Bao súng (Nhóm 93.03).

Tuy nhiên, nguyên tắc này không được áp dụng đối với bao bì mang tính chất cơ bản nổi trội hơn so với hàng hóa mà nó chứa đựng.

Ví dụ 16: Hộp đựng kính đeo mắt mà hộp đó bằng vàng thì không thể áp mã theo kính được. Hoặc hộp đựng chè bằng bạc hoặc cốc gốm trang trí đựng đồ ngọt.

Nếu nhập riêng túi hợp bao bì này mà không cùng với sản phẩm sẽ áp mã theo nhóm thích hợp chứ không theo mã sản phẩm.

Quy tắc 5b:

Ngoài Qui tắc 5(a) nêu trên, bao bì đựng hàng hóa được phân loại cùng với hàng hóa đó khi bao bì là loại thường được dùng cho loại hàng hóa đó. Tuy nhiên, nguyên tắc này không áp dụng đối với các loại bao bì mà rõ ràng là phù hợp để dùng lặp lại.

Ví dụ 17: như túi nilon, hộp carton…

Không áp mã bình chứa ga bằng thép (bình có thể sử dụng lại) vào mã ga được mà phải được phân theo mã riêng. Nếu bình ga dùng một lần thì áp mã ga.

Qui tắc này liên quan trực tiếp đến Qui tắc 5(a), bởi vậy, việc phân loại những bao, túi và bao bì tương tự thuộc loại đã nêu tại Qui tắc 5(a) phải áp dụng đúng theo Qui tắc 5(a).

QUY TẮC 6: Giải thích cách phân loại và so sánh cho đúng

Để đảm bảo tính pháp lý, việc phân loại hàng hóa vào các phân nhóm của một nhóm phải được xác định phù hợp theo nội dung của từng phân nhóm và các chú giải phân nhóm có liên quan, và các Qui tắc trên với những sửa đổi về chi tiết cho thích hợp, trong điều kiện là chỉ có những phân nhóm cùng cấp độ mới so sánh được.

Ví dụ 18: 1 gạch so sánh với 1 gạch, 2 gạch so sánh với 2 gạch…. (gạch là gạch đầu dòng “-” trước tên hàng trong phần mô tả hàng hóa của biểu thuế)

Chú giải của phân nhóm và nhóm có giá trị hơn chú giải của chương, trừ khi nội dung mô tả trong phân nhóm có những yêu cầu khác.

Trên đây là những điều cần biết về mã HS code với những ví dụ dễ hiểu để bạn hình dung. Bạn có thể tra mã số HS trên trang bieuthue.net, hoặc tải về Biểu thuế XNK mới nhất bản excel, hoặc mua quyển sách biểu thuế để tra trực tiếp.

Xem thêm:

Điều kiện và thủ tục xin giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô

Mở công ty vốn nước ngoài kinh doanh sản xuất đồ uống

Các thủ tục cần thực hiện để thành lập xưởng sản xuất có vốn nước ngoài

Thủ tục kinh doanh và xin giấy phép xuất khẩu gạo

Đánh Giá Bài Viết Bạn Nhé Để Giúp Chúng Tôi Hiểu Bạn Hơn

Các thủ tục liên quan

hotline tư vấn trực tiếp hoặc yêu cầu báo giá


Tổng đài CSKH:

(028) 3510 1088 – 07777 23283


English Speaking Consultant

0938 336 885

Giấy phép lao động
Thẻ tạm trú – Visa nhập cảnh

0903 784 789

Dịch vụ Xuất Nhập Khẩu – Hải Quan

0937 078907

Tư vấn Thành lập công ty

0903 784 789

Dịch vụ kế toán – Thuế

0938 336 885

 

Bạn cần tư vấn? Hãy viết nội dung vào bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi ngay!






    Tư vấn giấy tờ pháp lý doanh nghiệp:

    Tư vấn giấy tờ cho người nước ngoài:

    Tư vấn các dịch vụ khác:


    Để lại một bình luận

    Lên đầu trang