Cập nhật lần cuối: 31/10/2022.
Doanh nghiệp có thể bị giải thể theo 01 trong 04 trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 207 Luật doanh nghiệp 2020, trong đó trường hợp giải thể công ty theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân/chủ sở hữu/hội đồng thành viên/đại hội đồng cổ đông là phổ biến và được tiến hành nhiều nhất hiện nay. Khi tiến hành giải thể công ty đã phát sinh, doanh nghiệp cần tiến hành các thủ tục ở cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý hải quan.
Tóm tắt nội dung
ToggleHồ sơ giải thể công ty đã phát sinh gửi cơ quan thuế quản lý
Thủ tục giải thể công ty đã phát sinh tại Chi cục thuế/Cục thuế quản lý doanh nghiệp là bước quan trọng và tốn nhiều thời gian nhất trong quy trình. Để tiến hành giải thể hoàn toàn, doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, không nợ thuế cũng như không nợ người lao động, đối tác.
Trước khi tiến hành nộp hồ sơ giải thể công ty đã phát sinh, doanh nghiệp cần thực hiện thông báo về việc tiến hành giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Dưới đây là các văn bản, biểu mẫu cần chuẩn bị để nộp đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp doanh nghiệp:
- Mẫu 24/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC: Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế;
- Biên bản họp về việc giải thể của đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần/hội đồng thành viên đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên;
- Quyết định giải thể doanh nghiệp;
- Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị thêm Công văn xác nhận không nợ thuế hải quan gửi đến Tổng cục hải quan thông qua bưu điện.
Hồ sơ giải thể công ty đã phát sinh gửi cơ quan đăng ký kinh doanh
Thủ tục giải thể công ty đã phát sinh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư trải qua 02 bước: Thông báo giải thể và Giải thể, xóa tên doanh nghiệp
Bước 1: Thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Bước này được tiến hành trước khi nộp hồ sơ giải thể đến cơ quan thuế. Mục đích của bước này là để thông báo về kế hoạch giải thể của doanh nghiệp, thông tin sẽ được chuyển đến Chi cục thuế/Cục thuế để doanh nghiệp hoàn tất các nghĩa vụ nợ và nghĩa vụ thuế.
Doanh nghiệp tiến hành nộp hồ sơ online thông qua trang dangkykinhdoanh.gov.vn.
Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Thông báo về giải thể doanh nghiệp (Phụ lục II-22 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc giải thể doanh nghiệp;
- Văn bản ủy quyền cho người đại diện thực hiện thủ tục;
- Phương án giải quyết nợ (nếu có).
Thời gian xử lý: 05 ngày làm việc
* Doanh nghiệp lưu ý: Sau khi thông tin doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đang làm thủ tục giải thể: Doanh nghiệp thực hiện thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế với Cơ quan thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Sau bước 1, doanh nghiệp tiến hành các thủ tục đóng mã số thuế tại cơ quan thuế quản lý. Việc tiến hành thủ tục tại cơ quan thuế thường tốn nhiều thời gian nhất trong quá trình giải thể công ty đã phát sinh.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký giải thể, xóa tên doanh nghiệp
Thủ tục này là bước cuối cùng để giải thể công ty đã phát sinh. Chuyển trạng thái doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp “Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại”.
Thành phần hồ sơ:
- Thông báo về giải thể doanh nghiệp (Phụ lục II-22 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);
- Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có);
- Văn bản ủy quyền cho người đại diện thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
(Doanh nghiệp lưu ý: Đối với doanh nghiệp sử dụng con dấu do cơ quan công an cấp, doanh nghiệp có trách nhiệm trả con dấu, Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu cho cơ quan công an theo quy định khi làm thủ tục giải thể.)
Những lưu ý khi tiến hành thủ tục giải thể công ty đã phát sinh
- Việc giải thể công ty đã phát sinh thường mất nhiều thời gian, công sức do các hóa đơn, tờ khai phát sinh qua nhiều năm và phải thực hiện quyết toán thuế. Tùy theo số lượng hóa đơn, tờ khai phát sinh mà thời gian này có thể kéo dài hoặc ngắn hơn.
- Trường hợp doanh nghiệp sử dụng con dấu do Bộ công an cấp và quản lý thì cần làm thủ tục trả con dấu cho cơ quan công an.
- Thông thường, các doanh nghiệp đã phát sinh hóa đơn, tờ khai thường được yêu cầu nộp giấy tờ xác nhận đã hoàn thành các nghĩa vụ về thuế xuất nhập khẩu, không còn nợ thuế. Vì vậy, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị bằng cách nộp Công văn đến Tổng cục hải quan để được xác nhận, ngay khi thuế có yêu cầu thì có sẵn công văn đã được đóng dấu.
Các hoạt động bị cấm từ khi có quyết định giải thể
Kể từ khi có quyết định giải thể, người quản lý doanh nghiệp bị nghiêm cấm các hoạt động sau đây:
- Cất giấu, tẩu tán tài sản
- Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ
- Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành bằng các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp
- Ký hợp đồng mới trừ trường hợp hợp đồng giải thể doanh nghiệp
- Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản
- Chấm dứt thời hạn hợp đồng đã có hiệu lực
- Huy động vốn dưới mọi hình thức
Dịch vụ giải thể công ty đã phát sinh doanh thu uy tín tại Luật Bistax
Khi làm thủ tục giải thể công ty đã phát sinh doanh thu, nhiều doanh nghiệp tỏ ra luống cuống khi đụng đến thủ tục quyết toán thuế. Đây cũng là mắt xích quan trọng để bạn hoàn thiện hồ sơ giải thể công ty của mình.
Với đội ngũ chuyên viên tư vấn Luật và dịch vụ kế toán giàu kinh nghiệm, các khách hàng sẽ được tư vấn tận tình, chu đáo và chuyên nghiệp về mọi thủ tục hoàn thành việc giải thể.
Hãy liên hệ ngay số hotine 07777 23283 để được tư vấn và hỗ trợ.
Tham khảo thêm:
- Thủ tục chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện nước ngoài
- Điều kiện và thủ tục để người nước ngoài chuyển nhượng vốn cho người Việt Nam
- Các trường hợp huỷ hoá đơn điện tử