Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì có thuộc đối tượng áp dụng quy định về tuổi nghỉ hưu không? Tuổi nghỉ hưu của lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
Tóm tắt nội dung
ToggleViệt Nam có áp dụng chế độ nghỉ hưu cho lao động người nước ngoài?
Tại Điều 2 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau: người lao động nước ngoài làm việc tại Việt nam cũng thuộc đối tượng áp dụng quy định về tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, người lao động nước ngoài được hưởng chế độ hưu trí cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
- Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
- Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Lưu ý: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 thì sẽ là 60 tuổi 09 tháng đối với lao động nam và đủ 56 tuổi đối với lao động nữ.
Mức hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu của lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Căn cứ vào Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu của lao động nước ngoài được quy định như sau:
– Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
– Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tuổi nghỉ hưu không?
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn khi thỏa thuận với người sử dụng lao động tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu.
Việc chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương III Bộ luật Lao động 2019 và quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Trường hợp nào người lao động bị tuyên bố tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng?
Căn cứ khoản 1 Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau về Tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng:
⇒ Nếu lao động người nước ngoài xuất cảnh trái phép, bị tuyên bố mất tích hoặc có căn cứ xác định việc hưởng bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật thì người lao động sẽ áp dụng biện pháp tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.
⇒ Riêng trường hợp có căn cứ xác định việc hưởng bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tạm dừng hưởng, cơ quan bảo hiểm xã hội phải ra quyết định giải quyết hưởng; trường hợp quyết định chấm dứt hưởng bảo hiểm xã hội thì phải nêu rõ lý do.