Để nhập khẩu và lưu hành mỹ phẩm hợp pháp từ nước ngoài về Việt Nam, doanh nghiệp cần tuân thủ những điều kiện và thủ tục gì? Mời bạn tham khảo qua nội dung bài viết sau đây về các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và thực hiện những thủ tục gì khi muốn nhập khẩu mỹ phẩm từ nước ngoài.
Tóm tắt nội dung
ToggleCác Mỹ phẩm được nhập khẩu vào Việt Nam
Căn cứ vào Điều 2, Thông tư 06/2011/TT-BYT, mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể như da, tóc, móng tay, móng chân, môi… với chức năng làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cho cơ thể trong điều kiện tốt.
Một số sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu thường thấy như: son môi, phấn mắt, kem dưỡng da, mặt nạ, serum, bộ sản phẩm chăm sóc da…
Trong quá trình nhập khẩu, doanh nghiệp cần chú ý một số sản phẩm không được coi là mỹ phẩm được quy định tại Công văn số 1609/QLD-MP cấp ngày 10/02/2012 của Cục Quản lý Dược.
Một số sản phẩm không được phân loại là mỹ phẩm như: Sản phẩm chống muỗi, nước hoa xịt phòng, nước xả vải, nước tẩy bồn cầu, dung dịch ô xi già, cồn sát trùng 70 độ, cồn 90 độ, sản phẩm làm sạch răng giả không tiếp xúc với khoang miệng, lông mi giả, dung dịch vệ sinh mắt/mũi/tai, sản phẩm chống nghẹt mũi, sản phẩm chống ngáy, gel bôi trơn âm đạo, gel siêu âm, sản phẩm tiếp xúc với bộ phận sinh dục trong, dung dịch thụt trực tràng, gây tê, giảm/kiểm soát sự sưng tấy/phù nề, chữa viêm da, giảm dị ứng, diệt nấm, diệt virus, sản phẩm kích thích mọc tóc/mọc lông mi, sản phẩm loại bỏ/giảm mỡ/giảm béo/giảm kích thước của cơ thể, sản phẩm giảm cân, ngăn ngừa/dừng sự phát triển của lông, sản phẩm dừng quá trình ra mồ hôi, mực xăm vĩnh viễn, sản phẩm xóa sẹo, giảm sẹo lồi, sản phẩm làm sạch vết thương,…
Muốn nhập khẩu mỹ phẩm từ nước ngoài cần điều kiện gì?
Mỹ phẩm là mặt hàng đặc thù, chịu sự quản lý của Cục Quản Lý Dược – Bộ Y Tế. Do vậy, trước khi nhập khẩu mỹ phẩm vào Việt Nam, Doanh nghiệp cần phải có phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Công bố mỹ phẩm theo thông tư 06/2011/TT-BYT, sửa đổi bởi thông tư 32/2019/TT-BYT.
Một số trường hợp không bắt buộc phải thực hiện công bố sản phẩm mỹ phẩm:
– Tổ chức nhập khẩu mỹ phẩm để nghiên cứu, kiểm nghiệm (Phụ lục số 14-MP ban hành kèm theo Thông tư 06/2011/TT-BYT). Số lượng tối đa cho mỗi sản phẩm là 10 mẫu. Các sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu để nghiên cứu, kiểm nghiệm phải được sử dụng đúng mục đích, không được phép đưa ra lưu thông trên thị trường.
– Tổ chức nhận mỹ phẩm là quà biếu, quà tặng làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan Hải quan theo quy định. Các mẫu mỹ phẩm nhập khẩu là quà biếu, quà tặng không được phép đưa ra lưu thông trên thị trường.
– Tổ chức nhập khẩu mỹ phẩm để trưng bày tại hội chợ, triển lãm và các trường hợp tạm nhập tái xuất khác.
Mỹ phẩm nhập khẩu của doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Mỹ phẩm nhập khẩu phải được công bố tiêu chuẩn.
– Mỹ phẩm nhập khẩu phải được công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật.
– Mỹ phẩm nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu theo khoản 2 Điều 27 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007.
Thủ tục công bố mỹ phẩm nhập khẩu nước ngoài
Thành phần hồ sơ:
– Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm kèm theo dữ liệu công bố (theo mẫu Phụ lục 01 – MP ban hành kèm theo Thông tư 29/2020/TT-BYT). Phiếu công bố phải được người đại diện theo pháp luật ký và đóng dấu giáp lai.
– Bản có chứng thực chữ ký và được hợp pháp hoá lãnh sự (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên) Giấy ủy quyền của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường được phân phối sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam trình bày theo ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Anh hoặc song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh; có đầy đủ các nội dung sau:
+ Tên, địa chỉ của nhà sản xuất; trường hợp bên uỷ quyền là chủ sở hữu sản phẩm thì cần nêu rõ tên, địa chỉ của chủ sở hữu sản phẩm và tên, địa chỉ của nhà sản xuất;
+ Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân được ủy quyền;
+ Phạm vi ủy quyền (đứng tên công bố và phân phối sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam);
+ Nhãn hàng hoặc tên sản phẩm được ủy quyền;
+ Thời hạn ủy quyền;
+ Cam kết của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm cung cấp đầy đủ Hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường tại Việt Nam;
+ Tên, chức danh, chữ ký của người đại diện cho bên uỷ quyền.
– Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đáp ứng các yêu cầu:
+ CFS do cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất hoặc nước xuất khẩu mỹ phẩm vào Việt Nam cấp còn thời hạn hiệu lực (bản chính hoặc bản sao chứng thực). Trường hợp CFS không nêu thời hạn thì phải là bản được cấp trong vòng 24 tháng kể từ ngày cấp;
+ CFS phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp CFS đáp ứng một trong các quy định sau đây:
- Được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại giữa Việt Nam và quốc gia cấp;
- Có văn bản hoặc thư điện tử do cơ quan có thẩm quyền cấp CFS hoặc cơ quan ngoại giao nước ngoài gửi đến Cục Quản lý Dược có nội dung xác nhận thông tin của CFS;
– Lệ phí công bố: 500 nghìn đồng
Nơi nộp hồ sơ: Tổ chức nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến Cục Quản lý dược – Bộ Y tế.
Thời hạn giải quyết: Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp lệ và lệ phí công bố, Cục Quản lý dược ban hành số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Trường hợp hồ sơ công bố chưa hợp lệ, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Quản lý thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Trên thực tế, thời gian giải quyết có thể kéo dài hơn (khoản 01 tháng) so với quy định của pháp luật vì tính chất cũng như số lượng công việc cần giải quyết.
– Số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm có giá trị 05 năm kể từ ngày cấp.
Lưu ý: Cách lập Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm được quy định tại Điều 5 Thông tư 06/2011/TT-BYT.
Thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm tại cơ quan Hải quan
Thành phần hồ sơ:
– Tờ khai hải quan về hàng hóa nhập khẩu (theo mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 39/2018/TT-BTC) hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan.
– Chứng từ có liên quan (chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử), gồm có:
+ Hợp đồng mua bán hàng hóa hay hợp đồng ủy thác nhập khẩu hàng hóa đối với trường hợp nhập khẩu ủy thác: Bản chụp.
+ Hóa đơn thương mạị hoặc chứng từ có giá trị tương đương trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: Bản chụp.
+ Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương đối với trường hợp vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, vận tải đa phương thức (trừ hàng hoá nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ, hàng hoá mua bán giữa khu phi thuế quan và nội địa, hàng hóa nhập khẩu do người nhập cảnh mang theo đường hành lý): Bản chụp.
+ Phiếu công bố mỹ phẩm nhập khẩu còn hiệu lực.
+ Chứng từ chứng minh tổ chức đủ điều kiện nhập khẩu mỹ phẩm: Bản chụp.
+ Tờ khai trị giá (theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 39/2015/TT-BTC).
+ Chứng từ chứng nhận xuất xứ mỹ phẩm.
+ Văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành: Bản chính.
Nơi nộp hồ sơ: Chi cục Hải quan tiếp nhận kiểm tra.
Trường hợp thực hiện thủ tục hải quan điện tử, người khai hải quan được khai và gửi hồ sơ hải quan thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của Hải quan.
Sau khi khai và nộp tờ khai hải quan; nộp hoặc xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ hải quan. Tổ chức đưa hàng hóa, phương tiện vận tải đến địa điểm được Chi cục Hải quan quy định để kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải.
Thời hạn giải quyết:
– Trong 02 giờ làm việc kể từ thời điểm tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan hải quan hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ.
– Trong 08 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hóa, cơ quan hải quan hoàn thành việc kiểm tra thực tế hàng hóa.
Lưu ý: Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, y tế, văn hóa theo quy định của pháp luật có liên quan thì thời hạn hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hóa được tính từ thời điểm nhận được kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định.
Trường hợp lô hàng có số lượng lớn, nhiều chủng loại hoặc việc kiểm tra phức tạp thì Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan gia hạn thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa, nhưng tối đa không quá 02 ngày.
Việc kiểm tra phương tiện vận tải phải bảo đảm kịp thời việc xếp dỡ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, việc xuất cảnh, nhập cảnh của hành khách và bảo đảm việc kiểm tra, giám sát hải quan
Hàng hóa được thông quan sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan. Việc thông quan hàng hóa xem cụ thể tại Điều 37 Luật Hải quan 2014.
Cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa vào ngày lễ, ngày nghỉ và ngoài giờ làm việc để bảo đảm kịp thời việc xếp dỡ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, việc xuất cảnh, nhập cảnh của hành khách, phương tiện vận tải hoặc trên cơ sở đề nghị của người khai hải quan và phù hợp với điều kiện thực tế của địa bàn hoạt động hải quan.
Sau khi làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp cần nộp các loại thuế liên quan đến mỹ phẩm nhập khẩu, cụ thể là thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.
Chính sách thuế đối với nhập khẩu mỹ phẩm
Doanh nghiệp khi nhập khẩu mỹ phẩm phải nộp thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về xuất nhập khẩu, cụ thể theo biểu xuất thuế quy định tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP. Tùy thuộc vào loại mặt hàng mỹ phẩm, tùy thuộc vào khu vực mậu dịch ở các quốc gia khác nhau mà mức thuế xuất áp dụng cho mỹ phẩm nhập khẩu khác nhau.
Công thức tính thuế áp dụng thuế suất theo tỉ lệ % như sau:
– Thuế Nhập khẩu = Trị giá tính thuế x Thuế suất thuế nhập khẩu.
– Thuế Gía trị gia tăng = (Trị giá tính thuế + Thuế Nhập khẩu) x Thuế suất thuế GTGT.
Thuế nhập khẩu:
Hiện nay, mặt hàng thuế nhập khẩu được phân vào nhóm 3304 của biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo mặt hàng danh mục chịu thuế. Cụ thể, Mã HS 3304.10.00 – Chế phẩm trang điểm môi – Thuế nhập khẩu ưu đãi 20%:
- Mã HS 3304.20.00 – Chế phẩm trang điểm mắt – Thuế nhập khẩu ưu đãi 22%;
- Mã HS 3304.30.00 – Chế phẩm sử dụng cho móng chân và móng tay – Thuế nhập khẩu ưu đãi 22%;
- Mã HS 3304.91.00 – Phấn đã hoặc chưa được nén – Thuế nhập khẩu ưu đãi 22%;
- Mã HS 3304.99.02 – Kem ngăn ngừa mụn trứng cá – Thuế nhập khẩu ưu đãi 10%;
- Mã HS 2204.99.03 – Kem và dung dịch bôi da, bôi mặt – Thuế nhập khẩu ưu đãi 20%;
- Mã HS 3304.30.00 – Các chế phẩm và sản phẩm hữu cơ hoạt động bề mặt được sử dụng để làm sạch da dạng kem hoặc dạng lỏng – Thuế nhập khẩu ưu đãi 27%,…
Thuế giá trị gia tăng:
Theo quy định của pháp luật, các mặt hàng có mã HS thuộc phân nhóm 3304 sẽ phải chịu thuế suất giá trị gia tăng là 10%. Trong đó, số tiền thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp phải nộp sẽ được tính theo công thức: Chi phí nhập khẩu lô hàng + Thuế nhập khẩu x 10%.
Mã HS code và thuế nhập khẩu một số mặt hàng mỹ phẩm thông dụng:
SỮA TẮM:
- Mã Hs code của sữa tắm: 34013000;
- Thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường là: 27%;
- Thuế nhập khẩu sữa tắm từ Hàn Quốc, dùng C/O form AK hoặc VK là 20%;
- Thuế nhập khẩu sữa tắm từ các nước ASEAN ( Thái Lan, Malaysia,…) dùng C/O form D là 0%;
- Thuế nhập khẩu sữa tắm từ Trung Quốc dùng C/O form là 0%;
- Thuế giá trị gia tăng (VAT): 10%.
DẦU GỘI ĐẦU:
- Mã Hs code của dầu gội đầu: 33051090;
- Thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường là: 15%;
- Thuế nhập khẩu dầu gội đầu từ Hàn Quốc, dùng C/O form AK hoặc VK là 0%;
- Thuế nhập khẩu dầu gội đầu từ các nước ASEAN (Thái Lan, Malaysia,…), dùng C/O formD là 0%;
- Thuế nhập khẩu dầu gội đầu từ Trung Quốc dùng C/O form là 0%;
- Thuế giá trị gia tăng (VAT): 10%.
SỮA RỬA MẶT:
- Mã Hs code của sữa rửa mặt: 33049930;
- Thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường là: 20%;
- Thuế nhập khẩu sữa rửa mặt từ Hàn Quốc, dùng C/O form AK là 20%, dùng form VK là 10%;
- Thuế nhập khẩu sữa rửa mặt từ các nước ASEAN (Thái Lan, Malaysia,…), dùng C/O form D là 0%;
- Thuế nhập khẩu sữa rửa mặt từ Trung Quốc dùng C/O form E là 0%;
- Thuế giá trị gia tăng (VAT): 10%.
SỮA DƯỠNG THỂ:
- Mã Hs code của sữa dưỡng thể: 33049930.
- Thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường là: 20%,
- Thuế nhập khẩu sữa dưỡng thể từ Hàn Quốc, dùng C/O form AK là 20%, dùng form VK là 10%
- Thuế nhập khẩu sữa dưỡng thể từ các nước ASEAN (Thái Lan, Malaysia,…), dùng C/O form D là 0%,
- Thuế nhập khẩu sữa dưỡng thể từ Trung Quốc dùng C/O form E là 0%,
- Thuế giá trị gia tăng (VAT): 10%
KEM DƯỠNG DA:
- Mã Hs code của kem dưỡng da: 33049930.
- Thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường là: 20%,
- Thuế nhập khẩu kem dưỡng da từ Hàn Quốc, dùng C/O form AK là 20%, dùng form VK là 10%,
- Thuế nhập khẩu kem dưỡng da từ các nước ASEAN (Thái Lan, Malaysia,…), sử dụng C/O FORM D là 0%,
- Thuế nhập khẩu kem dưỡng da từ Trung Quốc sử dụng C/O FORM E là 0%,
- Thuế giá trị gia tăng (VAT): 10%
SON, SON MÔI:
- Mã Hs code của son, son môi: 33041000,
- Thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường là: 20%,
- Thuế nhập khẩu son môi từ Hàn Quốc, dùng C/O form AK là 20%, dùng form VK là 20%,
- Thuế nhập khẩu son môi từ các nước ASEAN (Thái Lan, Malaysia,…), dùng C/O form D là 0%,
- Thuế nhập khẩu son môi từ Trung Quốc sử dụng C/O FORM E là 0%,
- Thuế giá trị gia tăng (VAT): 10%
MẶT NẠ DƯỠNG DA:
- Mã Hs code của mặt nạ dưỡng da: 33049990,
- Thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường là: 20%,
- Thuế nhập khẩu mặt nạ dưỡng da từ Hàn Quốc, dùng C/O form AK là 20%, dùng form VK là 10%,
- Thuế nhập khẩu mặt nạ dưỡng da từ các nước ASEAN (Thái Lan, Malaysia,…), sử dụng C/O FORM D là 0%,
- Thuế nhập khẩu mặt nạ dưỡng da từ Trung Quốc sử dụng C/O FORM E là 0%,
- Thuế giá trị gia tăng (VAT): 10%
THUỐC NHUỘM TÓC
- Mã Hs code của màu nhuộm tóc: 33059000,
- Thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường là: 20%,
- Thuế nhập khẩu màu nhuộm tóc từ Hàn Quốc,dùng C/O form AK là 20%, dùng form VK là 10%,
- Thuế nhập khẩu màu nhuộm tóc từ các nước ASEAN (Thái Lan, Malaysia,…), sử dụng C/O FORM D là 0%
- Thuế nhập khẩu màu nhuộm tóc từ Trung Quốc sử dụng C/O FORM E là 0%,
- Thuế giá trị gia tăng (VAT): 10%