Cập nhật lần cuối: 24/03/2023.
Khi doanh nghiệp được xác định nằm trong đối tượng và đáp ứng đủ điều kiện hoàn thuế GTGT, thì doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ và thủ tục hoàn thuế GTGT như thế nào để được hoàn lại tiền thuế? Đây là một thủ tục cũng tương đối khó, nên nội dung bài viết Luật Bistax xin chia sẻ cách làm hồ sơ và thủ tục. Để hiểu rõ hơn điều kiện để được hoàn thuế GTGT, mời bạn tham khảo nội dung chi tiết ở link dưới đây.
Xem thêm: Hoàn thuế GTGT là gì? Những trường hợp được hoàn thuế GTGT
Tóm tắt nội dung
ToggleHồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT:
Nếu bạn đã tham khảo và nắm rõ về các trường hợp được hoàn thuế GTGT, thì hồ sơ cần có để thực hiện việc hoàn thuế sẽ tuỳ vào từng trường hợp cụ thể:
1. Hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu:
Chi tiết hồ sơ bao gồm:
– Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước (mẫu 01/ĐNHT);
– Bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01-1/HT , trừ trường hợp người nộp thuế đã gửi hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế.
– Danh sách tờ khai hải quan đã thông quan theo mẫu số 01-2/HT đối với hàng hóa xuất khẩu đã thông quan theo quy định về pháp luật hải quan.
Lưu ý: Các trường hợp sau không cần hoá đơn bán hàng:
- Kinh doanh xuất khẩu phần mềm dưới hình thức điện tử;
- Hoạt động xây lắp công trình ở nước ngoài hoặc khu phi thuế quan;
- Cung cấp điện nước, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng… cho doanh nghiệp chế xuất.
2. Hồ sơ hoàn thuế GTGT dự án đầu tư
Chi tiết hồ sơ bao gồm:
– Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước (mẫu 01/ĐNHT);
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư đối với trường hợp phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
– Đối với dự án có công trình xây dựng: Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất hoặc hợp đồng cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền; giấy phép xây dựng.
– Bản sao Chứng từ góp vốn điều lệ.
– Bản sao Giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.
– Bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01-1/HT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này, trừ trường hợp người nộp thuế đã gửi hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế.
– Quyết định thành lập Ban Quản lý dự án, Quyết định giao quản lý dự án đầu tư của chủ dự án đầu tư, Quy chế tổ chức và hoạt động của chi nhánh hoặc Ban quản lý dự án đầu tư (nếu chi nhánh, Ban quản lý dự án thực hiện hoàn thuế).
3. Hoàn thuế GTGT đối với dự án ODA
* Đối với chủ dự án và nhà thầu chính
Chuẩn bị hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng bao gồm:
– Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu Ngân sách nhà nước theo mẫu 01/ĐNHT.
– Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa dịch vụ mua vào mẫu số 01-1/ĐNHT.
– Quyết định của cấp có thẩm quyền về việc phê duyệt dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại, dự án sử dụng vốn ODA vay ưu đãi được ngân sách nhà nước cấp phát (bản chụp có đóng dấu và chữ ký xác nhận của người có thẩm quyền của dự án). Trường hợp hoàn thuế nhiều lần thì chỉ xuất trình lần đầu.
– Xác nhận của cơ quan chủ quản dự án ODA về hình thức cung cấp dự án ODA là ODA không hoàn lại hay ODA vay được ngân sách nhà nước cấp phát ưu đãi thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT (bản chụp có xác nhận của cơ sở) và việc không được ngân sách nhà nước cấp vốn đối ứng để trả thuế GTGT. Người nộp thuế chỉ phải nộp tài liệu này với hồ sơ hoàn thuế lần đầu của dự án.
Trường hợp nhà thầu chính lập hồ sơ hoàn thuế thì ngoài những tài liệu nêu tại điểm này, còn phải có xác nhận của chủ dự án về việc dự án không được ngân sách nhà nước bố trí vốn đối ứng để thanh toán cho nhà thầu theo giá có thuế GTGT; giá thanh toán theo kết quả thầu không có thuế GTGT và đề nghị hoàn thuế cho nhà thầu chính.
* Đối với Văn phòng đại diện nhà tài trợ dự án ODA
Chuẩn bị hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng bao gồm:
– Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu Ngân sách nhà nước theo mẫu 01/ĐNHT.
– Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa dịch vụ mua vào mẫu số 01-1/ĐNHT.
– Văn bản thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam với Nhà tài trợ về việc thành lập Văn phòng đại diện (bản chụp có xác nhận của Văn phòng).
– Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thành lập Văn phòng đại diện (bản chụp có xác nhận của Văn phòng).
4. Hoàn thuế đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức ở Việt Nam sử dụng tiền viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của nước ngoài mua hàng hoá, dịch vụ có thuế GTGT ở Việt Nam để viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo.
Chuẩn bị hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng
– Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu Ngân sách nhà nước theo mẫu 01/ĐNHT.
– Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa dịch vụ mua vào mẫu số 01-1/ĐNHT.
– Văn bản phê duyệt các khoản viện trợ của cấp có thẩm quyền (bản chụp có xác nhận của người nộp thuế).
– Văn bản xác nhận của Bộ Tài chính (đối với viện trợ nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách trung ương) hoặc của Sở Tài chính (đối với viện trợ nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách địa phương) về khoản tiền viện trợ của tổ chức phi chính phủ nước ngoài nêu rõ: tên tổ chức viện trợ, giá trị khoản viện trợ, cơ quan tiếp nhận, quản lý viện trợ.
5. Hoàn thuế GTGT đối với đối tượng hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao.
Chuẩn bị hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng:
– Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu Ngân sách nhà nước theo mẫu 01/ĐNHT có xác nhận của Cục Lễ tân nhà nước trực thuộc Bộ Ngoại giao.
– Bảng kê thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào dùng cho cơ quan đại diện ngoại giao theo mẫu số 01-2/ĐNHT ban hành kèm theo Thông tư này và Bảng kê thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào dùng cho viên chức ngoại giao tại Việt Nam theo mẫu số 01-3/ĐNHT ban hành kèm theo Thông tư này.
– Bản gốc kèm theo 02 bản chụp hóa đơn GTGT có đóng dấu của cơ quan đại diện. Cơ quan thuế sẽ trả lại các hóa đơn gốc cho cơ quan đại diện sau khi thực hiện hoàn thuế GTGT.
Thủ tục nộp hoàn thuế GTGT:
Sau khi doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu trên, thì có thể nộp thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng được theo 3 cách như sau:
- Cách 1: Nộp trực tiếp tại cơ quan quản lý thuế;
- Cách 2: Nộp hồ sơ qua đường bưu điện;
- Cách 3: Nộp qua mạng/điện tử tại Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế.
Tuy nhiên, hiện nay, việc nộp đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng chủ yếu được thực hiện qua tài khoản thuế điện tử của doanh nghiệp. Bạn có thể lập đề nghị hoàn thuế GTGT theo 2 cách: lập trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua hệ thống HTKK.
Với cách nộp đề nghị hoàn thuế GTGT qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, bạn thực hiện như sau:
- Bước 1: Bạn gửi hồ sơ hoàn thuế GTGT qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế;
- Bước 2: Trong vòng 15 phút, kể từ khi tiếp nhận hồ sơ, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi thông báo tiếp nhận hồ sơ;
- Bước 3: Trong vòng 3 ngày làm việc, kể từ ngày gửi thông báo tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thuế sẽ gửi quyết định hoàn thuế GTGT (nếu hồ sơ hợp lệ) hoặc thông báo giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu (nếu hồ sơ chưa hợp lệ).
➤ Thời hạn, quy trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT
- Trường hợp hồ sơ hoàn thuế chưa hợp lệ:
>> Trong vòng 2 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thuế sẽ thông báo bằng văn bản hướng dẫn bổ sung, điều chỉnh;
- Trường hợp hồ sơ hoàn thuế hợp lệ:
>> Trong vòng 6 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan thuế sẽ thông báo hồ sơ hoàn thuế GTGT đủ điều kiện (bao gồm trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau). Đồng thời, cơ quan thuế sẽ yêu cầu cung cấp các chứng từ nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu để ra quyết định hoàn thuế;
>> Trong vòng 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được chứng từ nộp thuế VAT hàng nhập khẩu, cơ quan thuế sẽ kiểm tra đối chiếu chứng từ nộp thuế với số liệu đã kê khai trong hồ sơ hoàn thuế và ra quyết định hoàn thuế.
➤ Thời hạn ban hành quyết định hoàn thuế GTGT
Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hoàn thuế, tùy vào từng trường hợp mà thời hạn để cơ quan thuế ra quyết định hoàn thuế GTGT hoặc quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước:
- Trong vòng 6 ngày làm việc, đối với trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau;
- Trong vòng 40 ngày làm việc, đối với trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau.
➤ Nhận tiền hoàn thuế GTGT
Sau khi hoàn thành thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng và nhận được quyết định hoàn thuế GTGT từ cơ quan thuế, tiền thuế hoàn sẽ chuyển khoản vào tài khoản thanh toán của doanh nghiệp (tài khoản đã đăng ký với cơ quan thuế theo mẫu 08) hoặc có thể bù trừ với các khoản nợ của cơ quan nhà nước.
Trên đây, là hướng dẫn chi tiết về hồ sơ và thủ tục hoàn thuế GTGT. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc về thủ tục này, có thể liên hệ đến dịch vụ kế toán của chúng tôi bằng cách gửi nội dụng tư vấn vào dưới bài viết này, chúng tôi sẽ giải đáp và phản hồi lại ngay.
Tham khảo thêm:
- Các mặt hàng chịu thuế suất 5%
- Cập nhật mới nhất các trường hợp được miễn thuế xuất nhập khẩu
- Bao nhiêu tuổi thì được thành lập công ty
- Quy định về tuổi nghỉ hưu cho lao động người nước ngoài tại Việt Nam
- Người lao động nước ngoài có được rút BHXH một lần
- Có thể thuê người làm Giám đốc trong công ty cổ phần không?