Cập nhật lần cuối: 06/09/2024.
Cách thành lập công ty may mặc cho người nước ngoài, cần đăng ký mã ngành nghề nào phù hợp và điều kiện đăng ký ra sao. Nếu bạn đang tìm hiểu những vấn đề này thì bài viết dưới đây sẻ chỉ ra trình tự cụ thể để thành lập công ty may mặc cho người nước ngoài thành công.
Xem thêm: Tổng hợp mã ngành nghề sản xuất may mặc mới nhất
Tóm tắt nội dung
ToggleĐiều kiện để thành lập công ty may mặc cho người nước ngoài
Khi người nước ngoài có dự định thành lập nhà máy sản xuất hàng may mặc tại Việt Nam, trước hết nhà đầu tư cần có dự án đầu tư tại địa điểm đầu tư cụ thể (Trong khu công nghiệp hoặc ngoài khu công nghiệp). Sau đó nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp để thành lập công ty may mặc cho người nước ngoài
Khi thành lập doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, dệt may có vốn đầu tư nước ngoài, bạn cần lựa chọn loại hình công ty phù hợp để tiến hành kinh doanh. Hiện nay, khi mở công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam thì chỉ có thể chọn một trong 2 loại hình doanh nghiệp đó là công ty TNHH và công ty cổ phần.
- Loại hình công ty TNHH thì có thể có tối thiểu 1 – 2 thành viên và tối đa là 50 thành viên.
- Loại hình công ty cổ phần thì cần có tối thiểu 3 thành viên và không giới hạn số lượng thành viên
Chọn người đại diện theo pháp luật:
– Doanh nghiệp cần chọn người đại diện theo pháp luật để làm đại diện cho công ty khi đăng ký kinh doanh và đi vào hoạt động. Người đại diện pháp luật của công ty may mặc có thể là giám đốc, chủ tịch hay người được thuê về làm người đại diện.
– Doanh nghiệp cần đảm bảo luôn có 1 người đại diện pháp luật cư trú ở Việt Nam. Vì đây là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, do vậy, để đảm bảo vấn đề này, doanh nghiệp có thể chọn 2 – 3 người đại diện pháp luật.
– Trường hợp doanh nghiệp cảm thấy người đại diện pháp luật không còn phù hợp với công ty thì có thể làm thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật để thay đổi người đại diện.
Kê khai vốn điều lệ công ty:
– Nhà đầu tư khi đăng ký thành lập công ty may mặc chỉ cần kê khai vốn điều lệ phù hợp với khả năng và điều kiện tài chính của doanh nghiệp. Bởi vì ngành may mặc, dệt may thuộc ngành nghề không yêu cầu vốn pháp định. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp có thể tiến hành kê khai vốn điều lệ bao nhiêu cũng được.
Cụ thể, có thể kê khai vốn điều lệ là 50 triệu, 200 triệu, 500 triệu, 1 tỷ…tùy theo mong muốn của mình.
Đăng ký mã ngành nghề kinh doanh sản xuất may mặc
Để có thể kinh doanh doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, dệt may có vốn đầu tư nước ngoài, bạn cần đăng ký ngành nghề kinh doanh phù hợp. Một số ngành nghề có thể đăng ký kinh doanh gồm:
Tên ngành | Mã ngành |
Sản xuất sợi | 1311 |
Sản xuất vải dệt thoi | 1312 |
Hoàn thiện sản phẩm dệt | 1313 |
Sản xuất vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt khác. | 1321 |
Sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) | 1322 |
Sản xuất thảm, chăn đệm | 1323 |
Sản xuất các loại dây bện và lưới | 1324 |
Sản xuất các loại hàng dệt khác. | 1329 |
May trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) | 1410 |
Sản xuất sản phẩm từ da lông thú | 1420 |
Sản xuất trang phục dệt kim, đan móc | 1430 |
Thuộc, sơ chế da; sơ chế và nhuộm da lông thú | 1511 |
Sản xuất vali, túi xách và các loại tương tự, sản xuất yên đệm | 1512 |
Cách đăng ký thủ tục thành lập công ty may mặc cho người nước ngoài
1. Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư gồm các giấy tờ sau:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
- Đề xuất dự án đầu tư;
- Hợp đồng thuê trụ sở, giấy tờ chứng minh quyền cho thuê của bên cho thuê (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có chức năng kinh doanh bất động sản của bên cho thuê hoặc các giấy tờ tương đương);
- Văn bản xác minh số dư tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư nước ngoài tương đương hoặc nhiều hơn với số tiền đầu tư;
- Bản sao chứng minh nhân dân/thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức cần cung cấp:
- Bản sao giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức nước ngoài;
- Bản sao chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của người đại diện phần vốn góp cho tổ chức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
- Báo cáo tài chính trong vòng 2 năm gần nhất có kiểm toán của tổ chức nước ngoài (phải được hợp pháp hóa lãnh sự, còn hiệu lực trong vòng 90 ngày).
Lưu ý:
Các văn bản, báo cáo gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền được làm bằng tiếng Việt. Trường hợp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải hợp pháp hóa lãnh sự, sau đó dịch thuật, công chứng sang tiếng Việt.
Nộp hồ sơ: Nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Thời hạn giải quyết: Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, Cơ quan đăng ký đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư ra thông báo hướng dẫn nhà đầu tư bổ sung hoặc chỉnh sửa hồ sơ nộp lại.
2. Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư tiếp tục thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp gồm có:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên (đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên) hoặc danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần);
- Nhà đầu tư là cá nhân cần cung cấp: Bản sao hợp lệ chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của các thành viên, cổ đông sáng lập, của người đại diện theo pháp luật;
- Nhà đầu tư góp vốn thành lập là tổ chức cần cung cấp:
- Bản sao hợp lệ quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tài liệu tương đương khác của tổ chức;
- Văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; bản sao hợp lệ CMND/CCCD/Hộ chiếu người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.
- Giấy ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ và nhận kết quả;
- Bản sao hợp lệ chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của người được ủy quyền.
Nộp hồ sơ: Nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch & Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc nộp online tại địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/ thông qua tài khoản đăng ký kinh doanh hoặc chữ ký số công cộng. Tại nhiều tỉnh thành lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương, 100% hồ sơ đều được nộp qua mạng. Vì thế, nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ để tiết kiệm thời gian và công sức.
Thời hạn giải quyết: Từ 5-7 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và Cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo hướng dẫn nhà đầu tư sửa đổi, bổ sung hồ sơ và nộp lại.
Thủ tục cần làm sau thành lập công ty may mặc cho người nước ngoài
- Treo biển tại trụ sở công ty
- Mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp và thông báo với Sở kế hoạch và đầu tư
- Đăng ký chữ ký số điện tử thực hiện nộp thuế điện tử
- Kê khai và nộp thuế môn bài
- Đăng ký hóa đơn điện tử
- Góp vốn đầy đủ đúng hạn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp đăng ký kinh doanh.
Xem thêm:
Giám đốc công ty có được ký hợp đồng lao động với chính mình