Cập nhật lần cuối: 19/07/2024.
Cách Thành lập công ty sản xuất phân phối mỹ phẩm có vốn nước ngoài tại Việt Nam theo Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp hiện hành.
Tóm tắt nội dung
ToggleĐiều kiện doanh nghiệp sản xuất phân phối bán lẻ mỹ phẩm
1. Về ngành nghề đăng ký đầu tư
Nhà đầu tư lĩnh vực kinh doanh sản xuất mỹ phẩm, xuất nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ mỹ phẩm không bị hạn chế theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Vì vậy, nhà đầu tư được phép thành lập tổ chức kinh tế với 100% vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh lĩnh vực nêu trên.
Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất mỹ phẩm và bán lẻ mỹ phẩm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với Nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trước khi thực hiện hoạt động kinh doanh Nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện để được phép hoạt động, cụ thể:
+ Để sản xuất mỹ phẩm nhà đầu tư cần tiến hành xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm;
+ Sau đó, để phân phối bán buôn, bán lẻ các mỹ phẩm do chính doanh nghiệp đã sản xuất hoặc phân phối các mỹ phẩm do doanh nghiệp nhập khẩu, nhà đầu tư cần đáp ứng các điều kiện về công bố sản phẩm mỹ phẩm, xin cấp Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa sản phẩm ra thị trường;
+ Bên cạnh đó, đối với hoạt động bán lẻ mỹ phẩm, nhà đầu tư cần phải xin cấp Giấy phép kinh doanh về bán lẻ hàng hóa.
2. Điều kiện về vốn
Pháp luật không quy định mức vốn cụ thể mà Nhà đầu tư nước ngoài phải có khi thực hiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ thực phẩm, nước uống thiên nhiên đóng chai, mỹ phẩm, trang sức.
Tuy nhiên, trên thực tế vốn đầu tư là một trong những căn cứ để đánh giá quy mô, khả năng thực hiện của dự án đầu tư. Vì vậy, mức vốn đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, phân phối thường là 100.000 USD trở lên.
3. Điều kiện đáp ứng Sản xuất mỹ phẩm
Để thực hiện hoạt động sản xuất mỹ phẩm, doanh nghiệp phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Điều kiện kinh doanh mà doanh nghiệp cần đáp ứng để được hoạt động và cấp Giấy phép này bao gồm:
*Điều kiện về nhân sự:
Người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành sau: Hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc.
*Điều kiện về cơ sở vật chất:
– Có địa điểm, diện tích, nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất như đã nêu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm;
– Kho bảo quản nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm phải bảo đảm có sự tách biệt giữa nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm; có khu vực riêng để bảo quản các chất dễ cháy nổ, các chất độc tính cao, nguyên, vật liệu và sản phẩm bị loại, bị thu hồi và bị trả lại.
– Có hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Nguyên liệu, phụ liệu, bán thành phẩm dùng trong sản xuất mỹ phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất;
+ Nước dùng trong sản xuất mỹ phẩm tối thiểu phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ăn uống do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
+ Có quy trình sản xuất cho từng sản phẩm;
+ Có bộ phận kiểm tra chất lượng để kiểm tra chất lượng của nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm.
Tham khảo thêm: Dịch vụ xin giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất
4. Điều kiện phân phối bán buôn mỹ phẩm
Đối với hoạt động phân phối mỹ phẩm, doanh nghiệp chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra phân phối khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu kiểm khi mỹ phẩm lưu thông trên thị trường.
Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm nộp tới Cục Quản lý dược – Bộ Y tế (đối với mỹ phẩm nhập khẩu) hoặc Sở Y tế (nơi đặt nhà máy sản xuất mỹ phẩm), bao gồm các tài liệu sau:
– Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (02 bản) kèm theo dữ liệu công bố (bản mềm của Phiếu công bố);
– Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ Giấy ủy quyền của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường được phân phối sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam (áp dụng đối với mỹ phẩm nhập khẩu và mỹ phẩm sản xuất trong nước mà tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất). Đối với sản phẩm nhập khẩu thì Giấy uỷ quyền phải là bản có chứng thực chữ ký và được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Giấy uỷ quyền phải đáp ứng các yêu cầu quy định.
– Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu được quy định như sau:
Trường hợp miễn CFS bao gồm:
+ Sản phẩm mỹ phẩm được sản xuất tại nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương mà việc tham gia Hiệp định này đã được cơ quan có thẩm quyền của nước đó phê chuẩn và có hiệu lực (sau đây viết tắt là nước thành viên CPTPP);
+ Sản phẩm mỹ phẩm được lưu hành và xuất khẩu từ nước thành viên CPTPP: Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải nộp tài liệu chứng minh sản phẩm được lưu hành tại nước thành viên CPTPP do cơ quan có thẩm quyền nước thành viên CPTPP cấp (giấy phép lưu hành sản phẩm mỹ phẩm hoặc phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cấp số tiếp nhận hoặc văn bản pháp lý khác có chứng nhận sản phẩm được lưu hành tại nước thành viên CPTPP) được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp giấy tờ pháp lý thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết tắt là Việt Nam) là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại giữa Việt Nam và quốc gia cấp;
Được cơ quan ngoại giao nước ngoài hoặc cơ quan quản lý nhà nước về mỹ phẩm có thẩm quyền hoặc cơ quan cấp giấy tờ pháp lý của nước thành viên CPTPP gửi văn bản hoặc thư điện tử đến Cục Quản lý Dược xác nhận giấy tờ pháp lý;
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường gửi kết quả tự tra cứu giấy tờ pháp lý từ trang thông tin điện tử (website tiếng Anh) của cơ quan cấp giấy tờ pháp lý của nước thành viên CPTPP có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp kèm theo văn bản cung cấp thông tin về đường dẫn tra cứu đến Cục Quản lý Dược. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, tính chính xác của các giấy tờ, thông tin này và kết quả tự tra cứu của doanh nghiệp;
+ Sản phẩm mỹ phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm tại nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN): Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải nộp Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cấp số tiếp nhận tại nước thuộc ASEAN được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại giữa Việt Nam và quốc gia cấp;
Được cơ quan ngoại giao nước ngoài hoặc cơ quan quản lý nhà nước về mỹ phẩm có thẩm quyền hoặc cơ quan cấp Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm 3 của nước thành viên ASEAN gửi văn bản hoặc thư điện tử đến Cục Quản lý Dược xác nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm;
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường gửi kết quả tự tra cứu Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm từ website tiếng Anh của cơ quan quản lý có thẩm quyền của nước thành viên ASEAN cấp số Phiếu tiếp nhận công bố sản phẩm mỹ phẩm có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp kèm theo văn bản cung cấp thông tin về đường dẫn tra cứu đến Cục Quản lý Dược. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, tính chính xác của các giấy tờ, thông tin này và kết quả tự tra cứu của doanh nghiệp;
– Ngoài các trường hợp miễn CFS nêu trên, hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu phải có CFS đáp ứng các yêu cầu sau đây:
+ CFS do cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất hoặc nước xuất khẩu mỹ phẩm vào Việt Nam cấp còn thời hạn hiệu lực (bản chính hoặc bản sao chứng thực). Trường hợp CFS không nêu thời hạn thì phải là bản được cấp trong vòng 24 tháng kể từ ngày cấp;
+ CFS phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp CFS đáp ứng một trong các quy định sau đây:
Được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại giữa Việt Nam và quốc gia cấp;
Có văn bản hoặc thư điện tử do cơ quan có thẩm quyền cấp CFS hoặc cơ quan ngoại giao nước ngoài gửi đến Cục Quản lý Dược có nội dung xác nhận thông tin của CFS;
+ CFS phải có tối thiểu các thông tin quy định tại Điều 36 Luật quản lý ngoại thương và khoản 3 Điều 10 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương.3.2
5. Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu mỹ phẩm
Đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu mỹ phẩm, hiện nay theo quy định pháp luật không yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Tuy nhiên:
– Để xuất khẩu mỹ phẩm, doanh nghiệp cần thực hiện tại cơ quan Hải quan theo quy định pháp luật hiện hành và các yêu cầu của nước nhập khẩu.
– Doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước để xuất khẩu. Hồ sơ đề nghị cấp CFS bao gồm:
+ Đơn đề nghị cấp CFS được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ;
+ Bản sao Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp số tiếp nhận (bản sao có đóng dấu của thương nhân đề nghị cấp CFS).
– Việc cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước để xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định 69/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương, ngoài ra:
+ Mỹ phẩm sản xuất trong nước để xuất khẩu được cấp CFS khi sản phẩm đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
+ Thương nhân xuất khẩu phải đăng ký hồ sơ thương nhân tại Sở Y tế nơi đặt cơ sở sản xuất mỹ phẩm và làm thủ tục cấp CFS đối với hàng hóa mỹ phẩm xuất khẩu.
+ Mỗi CFS được cấp cho 01 hoặc nhiều sản phẩm và có giá trị hiệu lực trong vòng 02 năm kể từ ngày cấp.
– Để nhập khẩu mỹ phẩm, khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp xuất trình với cơ quan Hải quan Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cấp số tiếp nhận. Do đó doanh nghiệp sẽ cần phải làm thủ tục công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi tiến hành nhập khẩu (trừ trường hợp mỹ phẩm đã được Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm còn hiệu lực được phép nhập khẩu vào Việt Nam).
6. Thực hiện quyền phân phối mỹ phẩm
– Theo quy định Nghị định 09/2018/NĐ-CP khái niệm về nhập khẩu, phân phối bán buôn và phân phối bán lẻ được hiểu như sau:
+ Quyền nhập khẩu là quyền được nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu. Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
+ Phân phối là các hoạt động bán buôn, bán lẻ, đại lý bán hàng hóa và nhượng quyền thương mại. Quyền phân phối là quyền thực hiện trực tiếp các hoạt động phân phối;
+ Bán buôn là hoạt động bán hàng hóa cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ và thương nhân, tổ chức khác; không bao gồm hoạt động bán lẻ.
+ Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng.
– Theo quy định Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì hoạt động thực hiện quyền nhập khẩu, phân phối bán buôn không bắt buộc phải xin giấy phép kinh doanh.
– Đối với hoạt động phân phối bán lẻ theo quy định Nghị định 09/2018/NĐ-thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép phép kinh doanh.
– Điều kiện về vốn đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu và phân phối:
+ Pháp luật không quy định mức vốn cụ thể mà Nhà đầu tư nước ngoài phải có khi thực hiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ trang thiết bị y tế.
+ Tuy nhiên, trên thực tế vốn đầu tư là một trong những căn cứ để đánh giá quy mô, khả năng thực hiện của dự án đầu tư. Vì vậy, mức vốn đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, phân phối thường là 250.000 USD, 300.000 USD trở lên.
Quy trình, trình tự thủ tục thực hiện thành lập công ty sản xuất phân phối mỹ phẩm có vốn nước ngoài
– Bước 1: Thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố;
– Bước 2: Thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố;
– Bước 3: Thực hiện các thủ tục sau:
+ Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm;
+ Công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với mỹ phẩm nhập khẩu và công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước đối với hoạt động phân phối mỹ phẩm ra thị trường;
+ Cấp Giấy phép kinh doanh về bán lẻ hàng hóa;
+ Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước để xuất khẩu.
Tham khảo thêm:
Cập nhật Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2024
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm