Cập nhật lần cuối: 20/09/2024.
Theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, Việt Nam có nhiều loại hình doanh nghiệp đa dạng. Mỗi loại hình doanh nghiệp có những đặc điểm riêng cùng ưu nhược điểm khác nhau. Nhờ đó, mỗi cá nhân hay tổ chức có thể dựa vào nhu cầu, điều kiện và định hướng phát triển để lựa chọn loại hình phù hợp khi muốn thành lập doanh nghiệp riêng cho mình. Bài viết dưới đây Luật Bistax sẽ phân tích cho bạn đọc rõ hơn về đặc điểm của các loại hình doanh nghiệp. Hy vọng quý doanh nghiệp hiểu rõ đặc điểm của từng loại hình để lựa chọn thành lập công ty cho phù hợp.
>> Tham khảo thêm: Dịch vụ tư vấn thành lập công ty trọn gói
Tóm tắt nội dung
ToggleCác loại hình doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp 2020:
Theo Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, hiện nay có 5 loại hình doanh nghiệp chính là:
- Doanh nghiệp tư nhân;
- Công ty TNHH một thành viên;
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên;
- Công ty Cổ phần;
- Công ty hợp danh.
Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có những ưu điểm, đặc điểm riêng. Vì vậy nếu như bạn đang muốn thành lập doanh nghiệp hãy đọc kỹ bài viết này để hiểu rõ trước khi trở thành Chủ doanh nghiệp.I
Ưu và nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp:
1. Công ty TNHH hai thành viên trở lên
“Trích dẫn tại Điều 46, 47, 48, 54 Luật doanh nghiệp 2020 về loại hình doanh nghiệp Công ty TNHH Hai thành viên trở lên” như sau:
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
- Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không được phát hành cổ phần, được phát hành trái phiếu theo quy định Luật Doanh nghiệp và các pháp luật chuyên ngành khác.
- Vốn điều lệ của công ty khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty. Trong quá trình hoạt động công ty có thể tăng hoặc giảm vốn điều lệ căn cứ theo nhu cầu và tình hình hoạt động của công ty và theo quy định của pháp luật.
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Thủ tục thành lập công ty TNHH 2 thành viên
⇒ Ưu điểm của loại hình doanh nghiệp Công ty TNHH hai thành viên
- Thành viên công ty chỉ trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi vốn góp nên hạn chế rủi ro cho thành viên góp vốn.
- Số lượng thành viên công ty trách nhiệm không nhiều nên việc quản lý, điều hành công ty không quá phức tạp như công ty Cổ phần.
- Pháp luật quy định chặt chẽ về việc chuyển nhượng vốn nên nhà đầu tư dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi các thành viên, hạn chế sự thâm nhập của người lạ vào công ty.
- Thành viên được rút toàn bộ vốn khỏi công ty thông qua hình thức chuyển nhượng vốn. Trong trường hợp chuyển nhượng ngang vốn thì thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bằng 0.
- Được phép huy động nguồn vốn bằng cách tiếp nhận thành viên mới. Được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn.
⇒ Nhược điểm loại hình doanh nghiệp Công ty TNHH hai thành viên
- Công ty có tư cách pháp nhân, chịu sự ràng buộc dưới hệ thống pháp luật chặt chẽ hơn.
- Việc huy động vốn bị hạn chế do không có quyền phát hành cổ phiếu
- Các hoạt động kinh doanh, đầu tư phát triển của công ty phải được Hội đồng thành viên thông qua. Việc thông qua ý kiến Hội đồng thành viên phải triệu tập thành cuộc họp với số lượng thành viên đủ theo quy định.
2. Công ty TNHH một thành viên
“Trích dẫn tại Điều 74, 75, 79 Luật doanh nghiệp 2020 về loại hình Công ty TNHH một thành viên” như sau:
- Công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
- Công ty TNHH một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không được phát hành cổ phần, được phát hành trái phiếu theo quy định Luật Doanh nghiệp và các pháp luật chuyên ngành khác.
- Vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty. Trong quá trình hoạt động công ty có thể tăng hoặc giảm vốn điều lệ căn cứ theo nhu cầu và tình hình hoạt động của công ty và theo quy định của pháp luật.
- Chủ sở hữu công ty phải xác định và tách biệt tài sản của cá nhân với tài sản của công ty, tách biệt chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với chi tiêu của Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc
- Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.
⇒ Ưu điểm của loại hình doanh nghiệp Công ty TNHH Một thành viên
- Chủ sở hữu công ty chỉ trách nhiệm hữu hạn về các hoạt động của công ty trong phạm vi vốn góp nên hạn chế rủi ro cho chủ sở hữu;
- Cơ cấu tổ chức, quản lý công ty đơn giản;
- Công ty có một thành viên vì vậy chủ sở hữu có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty mà không bị chi phối hoặc khó khăn khi đưa ra các quyết định liên quan đến hoạt động của công ty.
- Được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn.
⇒ Nhược điểm của loại hình doanh nghiệp Công ty TNHH Một thành viên
- Công ty có tư cách pháp nhân, chịu sự ràng buộc dưới hệ thống pháp luật chặt chẽ.
- Việc huy động vốn cho doanh nghiệp hạn chế hơn do chỉ có một thành viên và không được phát hành cổ phiếu.
- Chủ sở hữu công ty không được trực tiếp toàn bộ số vốn đã góp vào công ty, chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng cho tổ chức hoặc cá nhân khác. Chủ sở hữu công ty không được rút lợi nhuận của công ty khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả.
3. Công ty Cổ phần
“Trích dẫn tại Điều 111, 112, 137 Luật doanh nghiệp 2020 về loại hình doanh nghiệp Công ty Cổ phần” như sau:
Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
- Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
- Công ty cổ phần có tối thiểu 03 cổ đông. Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân
- Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
- Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết; hoặc Điều lệ công ty có quy định khác.
- Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
- Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
- Công ty cổ phần phải có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát.
- Công ty cổ phần có ít nhất một đại diện theo pháp luật. Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
⇒ Ưu điểm của loại hình doanh nghiệp Cổ phần
- Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoảng nợ trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi ro của các cổ đông không cao.
- Công ty cổ phần có khả năng huy động vốn rất cao thông qua việc chào bán cổ phần hoặc cổ phiếu ra công chúng, đây là đặc điểm riêng của công ty cổ phần;
- Việc chuyển nhượng vốn là tương đối dễ dàng, không cần thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông với Sở Kế hoạch đầu tư, do đó phạm vi đối tượng được tham gia công ty cổ phần là rất rộng.
⇒ Nhược điểm của loại hình doanh nghiệp Cổ phần
- Việc quản lý Công ty cổ phần tương đối khó khăn, phức tạp do số lượng thành viên khá nhiều, có sự tranh chấp lợi ích lớn giữa các thành viên có thể ảnh hưởng đến hoạt động công ty. Cổ đông sáng lập dễ mất quyền kiểm soát công ty.
- Việc thành lập và quản lý công ty cổ phần phức tạp, khó khăn hơn các loại hình khác do hệ thống pháp luật quản lý chặt chẽ nhiều ràng buộc.
- Việc chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông bị tính thuế thu nhập cá nhân dù là chuyển nhượng ngang vốn.
4. Công ty hợp danh
“Trích dẫn tại Điều 177 Luật doanh nghiệp 2020 về loại hình doanh nghiệp Công ty Hợp danh” như sau:
Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
- Phải có ít nhất 02 thành viên hợp danh là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn.
- Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.
- Thành viên góp vốn là tổ chức hoặc cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
- Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
⇒ Ưu điểm của loại hình doanh nghiệp Hợp danh
+ Công ty hợp danh là kết hợp được uy tín cá nhân của nhiều người, do có sự liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh nên dễ dàng tạo được sự tín nhiệm đối với đối tác và khách hàng.
+ Số lượng thành viên công ty trách nhiệm không nhiều nên việc quản lý, điều hành công ty đơn giản. Các thành viên có sự tin tưởng nhất định với nhau.
⇒ Nhược điểm của loại hình doanh nghiệp Hợp danh
- Thành viên hợp danh phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình nên rủi ro cao
- Thành viên góp vốn không được tham gia quản lý cac hoạt động kinh doanh của công ty.
- Loại hình Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp không phổ biến, thường chỉ được yêu cầu áp dụng đối với một số ngành nghề đặc thù như Luật, Công chứng, Thừa phát lại..
- Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào, hạn chế huy động vốn.
5. Doanh nghiệp tư nhân
“Trích dẫn tại Điều 188, 189, 190 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về loại hình doanh nghiệp tư nhân” như sau:
- Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; trường hợp thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng Giám, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
⇒ Ưu điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân:
- Chủ doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn chủ động trong việc quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp.
- Hệ thống pháp luật ràng buộc đối với doanh nghiệp tư nhân ít hơn so vối các loại hình khác.
⇒ Nhược điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân:
- Mức độ rủi ro của chủ doanh nghiệp cao hơn vì doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân phảic chịu trách nhiệm vô hạn đối với doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản của cá nhân, không phải chỉ riêng trong phạm vi góp vốn.
Kinh nghiệm lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp:
Hiện nay, loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất để hoạt động kinh doanh ở nước ta là công ty TNHH và công ty Cổ phần.
Thông thường, khi nhắc tới công ty Cổ phần nghe vẫn quy mô hơn với là Công ty TNHH. Tuy nhiên cũng có nhiều ưu nhược điểm mà theo kinh nghiệm của Luật Bistax thường hay tư vấn cho khách hàng, nhất là những doanh nhân bắt đầu khởi nghiệp, cùng chung một con thuyền để chèo lái ra biển khơi.
Sau đây Luật Bistax phân tích những điểm có lợi và bất lợi giữa loại hình doanh nghiệp TNHH và Cổ phần như sau:
Công ty TNHH Hai thành viên:
♦ Ưu điểm: Thủ tục thành lập cũng như cách thức hoạt động, thay đổi giấy tờ đơn giản. Đối với các thủ tục về thuế như: thuế GTGT, thuế TNDN, thuế Môn bài đều như những doanh nghiệp khác.
Khi có thêm thành viên tham gia góp vốn vào công ty, công ty chỉ cần làm thủ tục thay đổi hoặc bổ sung thêm thành viên, không bắt buộc phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
♦ Nhược điểm: Trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ thể hiện tên tất cả các thành viên tham gia góp vốn trên này. Chỉ những ai tham gia góp vốn và được pháp luật công nhận dựa trên danh sách thành viên ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới có quyền và nghĩa vụ theo quy định.
Đối với những thành viên góp vốn nhưng không có tên trong danh sách thành viên trên Giấy phép sẽ không có bất cứ quyền và nghĩa vụ nào theo quy định của pháp luật.
Công ty cổ phần:
♦ Ưu điểm: Trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ thể hiện số vốn, cổ phần do các cổ đông sáng lập. Không thể hiện tên của những Cổ đông trên này và chỉ có thông tin người Đại diện theo pháp luật.
Khi có các hoạt động như mua bán, chuyển nhượng cổ phần, các cổ đông không phải làm thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà chỉ cần làm Hợp đồng chuyển nhượng. Sau đó phải kê khai thuế thu nhập cá nhân phát sinh từ chuyển nhượng cổ phần với cơ quan thuế.
Nhắc tới cổ phần, nghe tên công ty có phần quy mô hơn, do đó khách hàng cũng cảm nhận sự tin tưởng nhiều hơn.
Lưu ý: Riêng đối với Công ty cổ phần, các cổ đông chuyển nhượng vốn tự do nhưng phải đảm bảo có ít nhất 03 cổ đông tham gia góp vốn theo đúng quy định tại Điều 111 Luật doanh nghiệp 2020 về loại hình doanh nghiệp Công ty Cổ phần.
Trường hợp các cổ đông góp vốn không đủ quy định tối thiểu 03 người thì bắt buộc công ty phải làm thủ tục Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp tương tứng theo Luật doanh nghiệp 2020.
♦ Nhược điểm: Như Luật Bistax đã phân tích phần ưu điểm, công ty phải xác định rõ những cổ đông tham gia góp vốn và phải được ghi nhận, điều chỉnh khi có sự thay đổi về cổ đông. Chế độ kế toán, lưu trữ sổ sách giấy tờ phải rõ ràng. Tránh trường hợp khi thay đổi những thủ tục liên quan công ty không xác định rõ được gồm có những cổ đông nào, đã chuyển nhượng khi nào.
Lời kết: Trên đây là những phân tích đặc điểm cụ thể của từng loại hình doanh nghiệp, hy vọng quý doanh nhân trước khi quyết định thành lập công ty sẽ hiểu rõ được từng loại hình công ty.
Xem thêm:
Cập nhật các ngành nghề kinh doanh bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp
Tổng hợp mã ngành nghề sản xuất may mặc mới nhất
Chi phí thành lập công ty trọn gói tại Luật Bistax
Các bước thành lập doanh nghiệp theo quy định mới nhất hiện nay