Cập nhật lần cuối: 02/08/2024.
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Một số ngành, nghề kinh doanh hiện nay bắt buộc phải được thành lập theo mô hình doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp tư nhân là một trong các loại hình trong số các loại hình được pháp luật yêu cầu như: văn phòng luật sư, văn phòng thừa phát lại, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, kinh doanh dịch vụ kế toán,.. Do tính chất quản lý dễ dàng, chế độ trách nhiệm vô hạn tạo niềm tin cho đối tác, cũng như việc huy động vốn hiệu quả mà nhiều cá nhân lựa chọn loại hình này. Vậy, khi thành lập doanh nghiệp tư nhân cần chuẩn bị bao nhiêu vốn? Mức vốn này được quy định như thế nào?
Tóm tắt nội dung
ToggleMức vốn khi thành lập doanh nghiệp tư nhân được quy định như thế nào?
Đối với doanh nghiệp tư nhân, tài sản của chủ doanh nghiệp không tách bạch với khối tài sản của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn với nghĩa vụ của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.
Chính vì tính chất khác biệt về vốn này mà khi đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân, mức vốn được đăng ký và thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tư nhân không được gọi là Vốn điều lệ như các loại hình công ty mà được gọi là Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể:
- Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
- Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân là khoản vốn mà chủ doanh nghiệp tư nhân đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trả lời cho thắc mắc: trường hợp đã chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản như vậy thì vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân có được quy định mức tối thiếu hay không? Hiện tại, pháp luật về doanh nghiệp không quy định mức vốn tối thiểu đối với vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy, chủ doanh nghiệp có thể đăng ký con số theo mong muốn, tuy nhiên việc đăng ký phải đáp ứng các yêu cầu về vốn pháp định, vốn ký quỹ đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về vốn.
Các loại vốn mà doanh nghiệp tư nhân cần quan tâm
Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân
Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân là khoản vốn mà chủ doanh nghiệp tư nhân đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
(Khoản 1 Điều 189 Luật doanh nghiệp 2020)
Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Vốn pháp định
Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu mà doanh nghiệp phải đăng ký khi hoạt động trong nhóm các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định.
Khái niệm Vốn pháp định không còn tồn tại từ Luật doanh nghiệp 2014, tuy nhiên đối với một số ngành nghề mức vốn này vẫn được áp dụng. Trước đây, khái niệm này được quy định tại Điều 4 Luật doanh nghiệp 2005: “Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp”.
Hiểu đơn giản thì Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có để có thể thành lập doanh nghiệp, mức này được ấn định bởi cơ quan có thẩm quyền và có sự khác nhay tùy theo lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.
Vốn ký quỹ
Vốn ký quỹ hay chính xác hơn là Tiền gửi ký quỹ là một loại tiền gửi có kỳ hạn hoặc không có kỳ hạn của một tổ chức tại các ngân hàng nhằm đảm bảo cho việc thực hiện một nghĩa vụ tài chính của tổ chức đó đối với ngân hàng và các bên có liên quan.
Hiện nay, tại Việt Nam, có một số ngành, nghề bắt buộc doanh nghiệp phải ký quỹ thì mới được cấp phép hoạt động. Một số ngành nghề có áp dụng hình thức ký quỹ có thể kể đến như: tư vấn du học, cho thuê lại lao động, bán hành đa cấp, lữ hành quốc tế,… Trường hợp doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực trên thì bắt buộc phải đáp ứng điều kiện này.
Có thể thấy rằng loại hình doanh nghiệp này không giống như các loại hình doanh nghiệp khác. Chủ doanh nghiệp là người phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với mọi hoạt động của công ty. Theo đó, chủ doanh nghiệp sẽ phải chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm về các khoản nợ. Đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ tài chính của công ty bằng toàn bộ tài sản của công ty. Bên cạnh đó tài sản cá nhân của mình mặc dù không đóng góp vào công ty nhưng vẫn phải cấn trừ nếu bị thua lỗ hay phá sản.
Cá nhân kinh doanh nên xem xét cẩn thận trước khi quyết định mở công ty. Khi có sự cố xảy ra đối với doanh nghiệp thì bạn là người hoàn toàn chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ khác. Điều này rất nguy hiểm cho tài sản của người đầu tư. Đặc biệt đối với những người lần đầu khởi nghiệp còn chưa có nhiều kinh nghiệm.
Trên đây là các quy định liên quan đến vốn khi tiến hành thành lập doanh nghiệp tư nhân và vận hành hoạt động của doanh nghiệp. Quý khách cần tham khảo thêm các thông tin về loại hình doanh nghiệp tư nhân có thể liên hệ với Luật Bistax để được hỗ trợ, tư vấn chi tiết.
Tham khảo thêm:
- Hồ sơ thành lập công ty cổ phần gồm những gì?
- Chi nhánh có tư cách pháp nhân không
- Các ngành nghề cần có bằng cấp khi thành lập công ty
- Sự khác nhau giữa hộ kinh doanh và công ty