Cập nhật lần cuối: 19/07/2024.
Người nước ngoài tham gia đầu tư tại thị trường Việt Nam thường băn khoăn trước hai lựa chọn: đăng ký hoạt động dự án đầu tư và tiến hành thành lập doanh nghiệp; hoặc góp vốn vào công ty đã được thành lập. Với cả hai phương án này, nhà đầu tư đều chuyển nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp và trực tiếp tham gia vào hoạt động quản lý doanh nghiệp. Việc lựa chọn thành lập công ty theo hướng nào là do khả năng tài chính của từng nhà đầu tư. Trong bài viết dưới đây, Luật Bistax sẽ làm rõ trình tự, thủ tục để người nước ngoài góp vốn thành lập công ty bằng hai phương án trên.
Người nước ngoài góp vốn thành lập công ty cần chuẩn bị những gì?
Khi tham gia góp vốn đầu tư thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cần chuẩn bị một số giấy tờ pháp lý cá nhân cơ bản gồm: Bản sao y công chứng hộ chiếu hoặc giấy tờ pháp lý khác còn hiệu lực, xác nhận số dư tài khoản của ngân hàng tại Việt Nam hoặc nước ngoài (cho trường hợp thành lập dự án đầu tư) theo đó xác nhận số dư khả dụng bằng hoặc lớn hơn số vốn góp đăng ký đầu tư.
Ngoài 2 loại giấy tờ cơ bản trên, cần chuẩn bị thêm Hợp đồng thuê địa điểm thực hiện dự án, các thông tin giải trình liên quan đến ngành, nghề kinh doanh trong trường hợp đăng ký hoạt động ngành, nghề có điều kiện.
Thủ tục để người nước ngoài góp vốn thành lập công ty
Trường hợp thành lập mới dự án đầu tư
Bước 1: Thủ tục đăng ký mới dự án đầu tư (đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư)
Đối với Bước này, nhà đầu tư nước ngoài cần chuẩn bị:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
- Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của nhà đầu tư: Bản sao công chứng hộ chiếu còn hiệu lực của nhà đầu tư;
- Đề xuất thực hiện dự án đầu tư;
- Xác nhận số dư tài khoản ngân hàng;
- Bản thuyết minh chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
- Hợp đồng thuê địa điểm thực hiện dự án;
Thủ tục này được thực hiện tại Phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt địa điểm thực hiện dự án. Thời gian thực hiện tùy theo mục tiêu, quy mô dự án mà nhà đầu tư đăng ký.
Bước 2: Thành lập doanh nghiệp (thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp)
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Bước 1, nhà đầu tư chuẩn bị một số hồ sơ sau và nộp online tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để Phòng Đăng ký kinh doanh tiếp nhận và xử lý hồ sơ.
Trong thời hạn 3 – 5 ngày làm việc, nhà đầu tư sẽ nhận được phản hồi của Phòng Đăng ký kinh doanh và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu hồ sơ hợp lệ ngay lần đầu. Trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ phản hồi bằng văn bản, nhà đầu tư thực hiện theo hướng dẫn tại thông báo cho đến khi hồ sơ hợp lệ và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
- Danh sách cổ đông sáng lập/Danh sách thành viên;
- Bản sao công chứng hộ chiếu/CCCD/CMND của thành viên/cổ đông sáng lập và người đại diện theo pháp luật.
Trường hợp đầu tư thông qua hình thức mua lại phần vốn góp
Bước 1: Thành lập doanh nghiệp (100% vốn Việt Nam dưới tên của đối tác)
Nhà đầu tư tiến hành thực hiện tương tự như Bước 2 ở mục trên. Tuy nhiên, phần vốn góp là 100% vốn Việt Nam.
Bước 2: Thủ tục đăng ký góp vốn/mua cổ phần/mua lại phần vốn góp
Thủ tục trên được thực hiện tại Phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Thời gian thực hiện 7 – 10 ngày làm việc. Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đăng ký góp vốn/mua cổ phần/mua lại phần vốn góp;
- Biên bản thỏa thuận nguyên tắc;
- Bản sao công chứng hộ chiếu của nhà đầu tư;
- Văn bản ủy quyền cho người đại diện thực hiện thủ tục.
Kết quả của thủ tục này là Thông báo chấp thuận về việc góp vốn/mua cổ phần/mua lại phần vốn góp. Với thông báo này, nhà đầu tư được phép mua lại phần vốn góp tại doanh nghiệp được thành lập tại Bước 1.
Bước 3: Thủ tục thay đổi thành viên
Bước 3 được thực hiện tại Phòng Đăng ký kinh doanh, mục đích của Bước này để chuyển nhượng phần vốn góp từ thành viên Việt Nam sang nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời phần vốn góp Việt Nam được chuyển nhượng trở thành vốn đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư tham gia thành lập công ty với tư cách thành viên góp vốn.
Người nước ngoài góp vốn thành lập công ty nên lựa chọn phương án nào?
Việc người nước ngoài góp vốn thành lập công ty theo phương án nào có thể xem xét trên 3 yếu tố: năng lực tài chính của nhà đầu tư, mong muốn của các bên góp vốn về việc có đăng ký Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay không (thực hiện đăng ký góp vốn sẽ không có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) và thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Cụ thể hơn, về năng lực tài chính của nhà đầu tư: trường hợp người nước ngoài góp vốn thành lập công ty nhưng không có xác nhận số dư tài khoản ngân hàng đủ với số vốn đăng ký sẽ ưu tiên chọn hình thức mua lại phần vốn góp.
Về thời gian thực hiện: lựa chọn phương án thành lập doanh nghiệp Việt Nam sau đó mua lại phần vốn góp sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức hơn.
Dịch vụ tư vấn thủ tục để Người nước ngoài góp vốn thành lập công ty
Tùy theo mong muốn, tình hình cá nhân của từng nhà đầu tư mà chúng tôi sẽ tư vấn để đưa ra hướng phù hợp cho việc thành lập công ty của nhà đầu tư.
Luật Bistax có kinh nghiệm tư vấn cho hơn hàng ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước, chúng tôi có đội ngũ tư vấn thực thụ, am hiểu Luật một cách tường tận. Giao tiếp ngoại ngữ cũng là một lợi thế của chúng tôi, giúp cho khách hàng người nước ngoài hiểu rõ hơn về các thủ tục để thành lập công ty vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Trường hợp nhà đầu tư cần Luật Bistax tư vấn và thay mặt thực hiện toàn bộ các thủ tục vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua số hotline: 07777 23283 để được hỗ trợ nhanh chóng, tận tâm nhất.