Thời gian làm việc: Từ thứ 2 đến thứ 6:
Sáng 08:00 – 11h30 AM, Chiều: 13h00 – 17:00 PM
Bistax

Điều Kiện Và Hình Thức Đầu Tư Doanh Nghiệp FDI

Cập nhật lần cuối: 16/08/2024.

Điều 21, Luật đầu tư 2020 có nêu rõ 5 hình thức đầu tư tại Việt Nam, bao gồm: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; Thực hiện dự án đầu tư; Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC và Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ. Theo đó, mỗi hình thức đầu tư có những quy định, điều kiện riêng về tiếp cận thị trường, vốn góp hay cổ phần. Điều kiện và hình thức đầu tư thành lập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam theo luật đầu tư 2020 hiện nay như thế nào? Luật Bistax xin mời bạn đọc cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

Doanh nghiệp FDI là gì?

  • Doanh nghiệp FDI (Foreign Direct Investment) không phải là một loại hình doanh nghiệp được quy định trong Luật đầu tư 2020, mà là tên gọi của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
  • Theo quy định tại Khoản 22, Điều 3, Luật Đầu tư 2020: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”
  • Tại Khoản 19 “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”

Các loại hình thành lập Doanh nghiệp FDI

Như đã nói ở trên, doanh nghiệp FDI chỉ là tên gọi được hiểu là doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI cũng giống như doanh nghiệp trong nước, đều phải áp dụng theo loại hình doanh nghiệp tuỳ theo số lượng thành viên tham gia góp vốn.

Các loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép hoạt động bao gồm:

  • Công ty TNHH một thành viên
  • Công ty TNHH hai thành viên trờ lên
  • Công ty cổ phần
  • Công ty hợp danh

Điều kiện đầu tư để thành lập Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020, điều kiện đầu tư hay còn gọi là điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Tham khảo: Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Điều kiện thành lập doanh nghiệp fdi

Điều kiện thành lập doanh nghiệp fdi

 

Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:

– Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế

  • Điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài là quy định về tỷ lệ vốn tối đa mà các nhà đầu tư nước ngoài được phép nắm giữ trong tổ chức kinh tế, phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh của tổ chức kinh tế đó
  • Ví dụ: tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp dịch vụ vận tải đường bộ là không quá 49%; dịch vụ quảng cáo là dưới 100%

– Hình thức đầu tư

  • Khi tham gia đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Đầu tư/ liên doanh thành lập mới doanh nghiệp hoặc góp vốn vào doanh nghiệp vốn Việt Nam.
  • Tuỳ theo ngành nghề lĩnh vực kinh doanh, nhà nước sẽ có những quy định về hình thức đầu tư.

– Phạm vi hoạt động đầu tư

  • Phạm vi hoạt động của doanh nghiệp FDI được thực hiện theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và quy định của pháp luật nước ta. Đối với những ngành chưa cam kết hoặc không có quy định tại các Điều ước quốc tế, mà trong pháp luật Việt Nam có hạn chế phạm vi hoạt động thì áp dụng theo quy định Việt Nam.
  • Ví dụ: Đối với dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour du lịch, điều kiện về phạm vi hoạt động doanh nghiệp FDI chỉ được phép cung cấp dịch vụ đưa khách vào du lịch Việt Nam và lữ hành nội địa đối với khách vào du lịch Việt Nam.

– Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư

  • Năng lực của nhà đầu tư là các năng lực tài chính, kinh nghiệm, trình độ… Dựa theo đặc thù của mỗi ngành nghề kinh doanh, sẽ có các quy định khác nhau về năng lực của nhà đầu tư để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện đầu tư.
  • Đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư: Một trong những hình thức đầu tư là liên doanh với đối tác Việt Nam. Một số lĩnh vực kinh doanh có quy định điều kiện đối với đối tác Việt Nam. Chẳng hạn để kinh doanh dịch vụ quảng cáo, nhà đầu tưu nước ngoài phải liên doanh với đối tác Việt Nam đã được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo.

– Điều kiện khác theo quy định pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế.

Các hình thức đầu tư để thành lập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Hiện nay, trong cơ chế thị trường mở cửa, pháp luật Việt Nam đã có nhiều chính sách mở rộng và thoáng hơn nhằm tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư là các cá nhân, tổ chức đến từ các nước thành viên của Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có cơ hội đầu tư vào thị trường trong nước.

Các hình thức đầu tư để thành lập doanh nghiệp FDI gồm:

Theo quy định tại Điều 21 Luật Đầu tư 2020 thì các hình thức đầu tư của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam bao gồm:

+ Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam;

+ Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp khác;

+ Đầu tư dưới hình thức hợp đồng BCC (hay còn gọi là hợp đồng hợp tác kinh doanh);

+ Thực hiện dự án đầu tư;

+ Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

Sau đây, là đặc điểm của các hình đầu tư này.

1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn nước ngoài

Đây là một loại hình nhà đầu tư trực tiếp bỏ vốn đầu tư và trực tiếp tham gia các hoạt động quản lý. Loại hình này tương đối phức tạp, đòi hỏi nhiều thủ tục đầu tư chặt chẽ hơn các loại hình đầu tư khác.

Có 4 hình thức thành lập doanh nghiệp phổ biến, gồm: Công ty TNHH một thành viên; Công ty TNHH hai thành viên trở lên; Công ty Cổ phần; Công ty hợp danh.

Nhà đầu tư hoạt động đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế, theo quy định Luật đầu tư 2020, đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;
  • Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này; Cụ thể: Các điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; hình thức đầu tư; phạm vi hoạt động đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư; năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư; điều kiện khác theo quy định.
  • Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nếu tổ chức kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau thì phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác:

  • Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
  • Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
  • Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Nếu tổ chức kinh tế không thuộc các trường hợp trên thì chỉ cần thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác. Nếu tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập tại Việt Nam có dự án đầu tư mới thì làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư đó mà không nhất thiết phải thành lập tổ chức kinh tế mới.

Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp

Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế là hình thức đầu tư FPI gián tiếp mà nhà đầu tư nước ngoài có thể áp dụng, thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác. Mặt khác, nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư.

Khi thực hiện hình thức đầu tư này, nhà đầu tư cần tuân thủ các hình thức và thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo Điều 24 Luật Đầu tư 2020 như sau:

Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây:

a) Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;

b) Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này;

c) Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.

Nhà đầu tư có thể lựa chọn hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo các cách dưới đây:

Nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

  • Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
  • Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
  • Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

Nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

  • Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
  • Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
  • Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
  • Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

Về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp:

  • Nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.
  • Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
  • Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
  • Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;
  • Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
  • Nhà đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật có liên quan khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Trường hợp có nhu cầu đăng ký việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế, nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.
  • Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế quy định tại Điều này.

3. Thực hiện dự án đầu tư

Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian nhất định. Tùy thuộc vào tính chất, quy mô và điều kiện của từng dự án, dự án đầu tư được thực hiện theo một hoặc một số thủ tục sau đây:

  • Quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định.
  • Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế;
  • Thực hiện thủ tục giao đất, giao lại đất, cho thuê đất, cho thuê lại đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (nếu có);
  • Thực hiện thủ tục về xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (nếu có);

Nhà đầu tư trúng giá quyền sử dụng đất hoặc trúng đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại văn bản quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá, văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan mà không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư.

4. Đầu tư theo hợp đồng BCC

Hợp đồng hợp tác kinh doanh, hay gọi tắt là hợp đồng BCC, là hợp đồng được ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.

Đây được coi là một hình thức đầu tư linh hoạt, tiết kiệm chi phí nên ngày càng có nhiều nhà đầu tư lựa chọn hơn trong quá trình hoạt động kinh doanh và phát triển hợp tác. Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung theo nhu cầu hoạt động kinh doanh thực tế của doanh nghiệp mình, các nội dung hợp tác phải nằm trong khuôn khổ pháp luật.

Theo Điều 28, Luật Đầu tư 2020, nội dung hợp đồng BCC bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;

b) Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;

c) Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;

d) Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;

e) Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;

g) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.

Chính phủ Việt Nam đang tạo nhiều điều kiện để thu hút nguồn vốn đầu tư FDI. Các doanh nghiệp FDI cũng được hưởng nhiều ưu đãi đầu tư. Để tiết kiệm thời gian và đảm bảo tuân thủ đầy đủ pháp lý khi thành lập doanh nghiệp, Quý khách hàng có thể liên hệ với Công ty Luật Bistax. Tại Luật Bistax, chúng tôi có đội ngũ Luật sư, chuyên gia pháp lý dày dặn kinh nghiệm để tư vấn và hỗ trợ cho khách hàng với tất cả các thủ tục liên quan cho đến khi ra kết quả sau cùng. Ngoài ra, Luật Bistax còn hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ về Thuế, Kế toán, tư vấn pháp lý trong suốt quá trình hoạt động sau khi thành lập.

Mọi chi tiết Quý khách vui lòng liên hệ qua các hình thức sau:

  • Tư vấn trực tiếp trên website;
  • Tư vấn và yêu cầu báo giá qua email: tuvan@bistax.vn hoặc cskh@bistax.vn;
  • Tư vấn và hỗ trợ qua hotline 07777 23283 hoặc 028 3510 1088;
  • Tư vấn qua mạng xã hội như Zalo, Viber, Whatsapp hoặc Fanpage của Luật Bistax
5/5 - (1 bình chọn)

Các thủ tục liên quan

hotline tư vấn trực tiếp hoặc yêu cầu báo giá


Tổng đài CSKH:

(028) 3510 1088 – 07777 23283


English Speaking Consultant

0938 336 885

Giấy phép lao động
Thẻ tạm trú – Visa nhập cảnh

0903 784 789

Dịch vụ Xuất Nhập Khẩu – Hải Quan

0937 078907

Tư vấn Thành lập công ty

0903 784 789

Dịch vụ kế toán – Thuế

0938 336 885

 

Bạn cần tư vấn? Hãy viết nội dung vào bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi ngay!






    Tư vấn giấy tờ pháp lý doanh nghiệp:

    Tư vấn giấy tờ cho người nước ngoài:

    Tư vấn các dịch vụ khác:


    Để lại một bình luận

    Lên đầu trang